Trụ sở chính: 6 Tân Cảng, Phường 25, Quận Bình Thạnh, HCM
NGHỀ VÁ LƯỚI MIỀN BIỂN

Thuở cắp sách đến trường chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe  câu giảng của thầy cô: ” nước Việt Nam ta rừng vàng, biển bạc ” , đại ý về sự  ưu đãi của thiên nhiên dành cho dãi đất hình chữ S . Nhưng sự  ưu đãi này mà không gắn liền với những nỗ lực vượt khó, ý chí và bàn tay con người thì xã hội không thể  tồn tại và ngày càng phát triển được Chẳng thế mà cuộc sống nhọc nhằn mưu sinh chịu thương,chịu khó của cha ông ta đã hằn sâu vào tâm trí mỗi người con đất Việt tự bao giờ. Trên những nẻo đường đi qua, VIETNET TRAVELđã có dịp ghi nhận và xin giới thiệu đến với bạn đọc một nghề mưu sinh của người dân miền biển : VÁ LƯỚI !

 

 

Cứ đến mùa biển động hoặc trăng lên ( ngày rằm ) thì đội ” Tàu” đánh bắt hải sản xa bờ lại lần lượt rủ nhau kéo  vào nằm bờ sau những ngày tháng lênh đênh trên biển cả. Lúc này thì đội “Quân” tóc dài lại í ới gọi nhau bước vào mùa vụ. Đội quân này đa phần là chị em phụ nữ bởi họ được xem là hậu phương vững chắc của cánh đàn ông nơi biển xa. Nghề vá lưới hầu như đều  hiện diện tại 28 tỉnh thành ven biển của Việt Nam,và không ai nhớ rõ nó xuất hiện từ khi nào. Tương truyền rằng khi con người biết đánh bắt hải sản từ biển thì nghề vá lưới cũng đồng hành theo.

 

9

                                                                                                      Lưới cước

 

Khi tàu từ biển trở về sau một mùa vụ thì hầu như tàu nào cũng có lưới rách không nhiều thì ít.Bởi vì trong lúc đánh bắt lưới mắc phải đá ngầm, san hô, sóng biển đánh,các loài cá to lớn vùng vẫy có thể làm rách lưới…. Để kịp cho chuyến tàu sau trong vài ngày nằm bờ ngắn ngủi thì cần một lực lượng lớn để vá lại lưới. Nhưng nghề vá lưới này tưởng đơn giản mà không hề đơn giản!Có người từng chứng kiến thì  nói rằng : nghề vá lưới thì có gì mà phải cực, suốt ngày ngồi trong bóng mát và trò chuyện rôm rả! Ai có suy nghĩ như vậy thì thật là sai lầm!

 

6

Nụ cười rạng rỡ bắt đầu một ngày làm việc mới

 

Học vá lưới rất là khó !

Con gái miền biển nếu không đi học thì ở nhà bắt buộc phải học vá lưới. Nhìn tấm lưới mỏng manh như vậy nhưng để đan thành từng ô, từng dòng thì rất là khó. Lưới có rất nhiều loại, bao gồm: lưới mành, lưới trũ, lưới cước, lưới bén, … Mỗi loại lưới đều có cách vá khác nhau. Nếu muốn đi vá lưới ăn công cho người khác thì bắt buộc phải biết tất cả cách vá các loại lưới khác nhau. Ai nhanh trí siêng năng thì học trong 3 tháng thì rành nghề, còn ai chậm hơn thì có thể 6 – 9 tháng hoặc hơn cả năm trời mới thạo. Thời gian kéo dài như vậy rất dễ làm cho con người ta nản chí và bỏ cuộc. Nghề này bắt buộc phải có một người thạo nghề ngồi bên cạnh chỉ chi tiết từng li từng tí mới biết được, nhưng đâu phải ai cũng  “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”! Do vậy người bắt đầu học vá lưới phải tự mày mò và sáng tạo cho bản thân  nếu muốn thành công.

 

3

 Lưới mành – Đôi bàn tay thoăn thoắt

 

Mình mẩy ê ẩm !

Ai bảo vá lưới là sướng! ngồi suốt ngày cắm đầu vào tấm lưới lưng khom, chân thẳng, tay phải làm việc liên tục, công việc nhàm chán…Đôi khi ngồi bên bờ biển chỉ có những tấm bạc che tạm cái nắng, mà cái nắng của miền biển thì nóng thôi rồi. Chưa kể cái sự buồn ngủ bởi những cơn gió biển gây ra. Là một người con vùng biển, tôi thấu hiểu cái khổ cái nhọc nhằn của nghề vá lưới này. Mẹ tôi – một người phục nữ có thâm niên trong nghề vá lưới đã hơn 30 năm, mỗi ngày mẹ đi từ sáng sớm cho đến tối mịt, ngửa bàn tay không thấy gì mới về. Về tới nhà mẹ thường kêu anh em tôi đấm lưng xoa bóp, thoa dầu cho mẹ….Mỗi lần chạm đến chỗ nhức là mẹ lại rên lên khe khẽ. Công việc nàycũng là nguyên nhân của  các bệnh đau  sống lưng, thoát vị đĩa đệm, đau khớp, mỏi mắt… cho nhiều người theo nghề.

 

5

Nhang để đốt những sợi lưới bị hỏng

 

Một nghề di động: nay đây mai đó!

Không phải vùng biển nào cũng nhiều tàu, nhiều lưới để cho đội quân tóc dài này vá. Cuộc sống mưu sinh cơ cực cho nên việc cho con cái đến trường học con chữ thì là một điều xa xỉ đối với nhiều hộ gia đình. Đội quân vá lưới  ngày càng đông mà tỉ lệ ngư dân sống bằng nghề biển thì ngày càng ít, cho nên nhiều người chấp nhận đi đến nơi khác làm công cho người ta. Có người thì theo xe vô các tỉnh miền nam như :Vũng Tàu, Bình Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng….. Họ đến từ các tỉnh miền Trung đa phần như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…. Chấp nhận rời xa gia đình đi từ mười ngày nửa tháng có khi còn hơn thế nữa. Tiền công thì chẳng bao nhiêu, tiền xe tiền ăn uống, thuê trọ thì cũng gần hết nhưng vì cuộc sống họ chấp nhận, có bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu còn dư chút đỉnh thì đem về lo cho gia đình chờ họ nơi quê nhà.

 

2

Chăm chún nhìn vào tấm lưới

 

Một nghề bấp bênh: tiền công chẳng bao nhiêu !

Làm việc liên tục từ sáng đến tối mà tiền công nhận được thì khoảng: 100 – 150 ngàn/ngày đó là đối với những người có thâm niên cao trong nghề. Những ai chập chững bước vào nghề thì thấp hơn nhiều,  có khi chấp nhận không công xem như đi vá tập lấy kinh nghiệm. Còn nếu như đến với các tiỉnh xa thì tiền công có đỡ hơn đôi chút thường từ: 200 – 250 ngàn /ngày nhưng cái gì cũng có cái giá của nó! Vì đa số các tỉnh trong miền Nam  ngư dân thường vá lưới ngay trên tàu, mà tàu đậu dưới biển lắc lư theo sóng cho nên những người sức khỏe yếu thì rất dễ bị say sóng, mà đã say sóng thì không thể vá lưới được. Người ta sẽ không mướn, đành phải quay về nhà.

 

1

Vất vả cuộc sống mưu sinh

 

Truyền từ đời này sang đời khác:

Tuy nghề bấp bênh là vậy đó, nhưng nó đã ăn sâu trong tâm trí của người dân miền biển. Mẹ và các dì tôi thường hay la đau lưng mỏi cổ suốt đêm mà sáng tôi ngủ dậy thì đã thấy mọi người đi tự bao giờ.  Nhìn người ta đi vá lưới mà mình ở nhà thì rất là “ngứa tay khó chịu”.  Rồi thì cũng xách nón lên và đi  để tối về  lại  là điệp khúc “Bài ca đau lưng tôi không quên…”.  Dường như nghề vá lưới  đã ăn vào máu các bà, các mẹ, các chị, các em rồi… Có bà năm nay đã gần 80 tuổi  mà vẫn ngồi cặm cụi vá lưới, hỏi bà sao không ở nhà nghỉ nghơi mà đi làm chi cực, bà cười và trả lời ” ở nhà ngứa tay lắm, không có ai trò chuyện ra đây ngồi vừa mát vừa nhiều người vui hơn “.  Cái vui của bà không chỉ là đông người vui mà là cái vui được chỉ cho các em mới chập chững học nghề.  Vì thế, sau một thời gian lại thấy bà dắt theo một em gái nào đó mặt còn non choẹt chỉ cho 1, 2 tháng rồi dẫn thêm người mới.

Theo thời gian, nghề vá lưới không bị mai một mà  càng phát triển. Không chỉ có chị em phụ nữ biết vá  mà cánh đàn ông cũng có người biết, bởi những lúc lênh đênh trên biển mà lưới rách nhiều họ cũng phải tự vá lại phần nào đó rồi đánh bắt tiếp.

 

8

Sống chết với nghề

 

Biển còn nghề còn !

Sống nhờ biển, chết cũng bám biển. Ai sinh ra ở miền biển thì họ chỉ biết đến biển, bởi họ cũng chẳng biết đi đâu và làm gì . Biển cho ta nhiều thứ quý giá, nhưng cũng  mang đến bao nhiêu tang thương mất mát cho con người. Người dân biển chịu thương chịukhó và cái nghề  đã trở thành một phần máu thịt thì dễ dàng gì mà từ bỏ cho cam.

 

0

                                                                                   

Tháng ba anh xuống mà lưới quầy,
Cá xu, cá sát, cá hang, cá thiều.
Tháng tư anh mới xuống kheo,
Em run lặng gió bước theo vào bờ.
Chừng nào cho sóng bỏ gành,
Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em.

                                                                                              ( Miền Biển Mặn )

                                                                                                                 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          Tùng Ý

                                                                                                                                 Công ty du lịch VIETNET TRAVEL

 

Tin liên quan

tin tức - cẩm nang du lịch
Các địa điểm đang hấp dẫn tại thời điểm điểm hiện tại
khoảnh khắc lữ hành
Copyright © 2018 VNETRAVEL, All Right Reserved - Designed By ITGREEN
Gọi điện ZaloChỉ Đường