Trụ sở chính: 6 Tân Cảng, Phường 25, Quận Bình Thạnh, HCM
Độc đáo sản phẩm tranh tre, nứa hun khói Xuân Lai (Bắc Ninh)

Thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, từ bao đời nay vẫn lưu giữ và phát triển nghề truyền thống, dùng cây tre, trúc, nứa để làm ra các sản phẩm đồ gia dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Để đa dạng hóa các sản phẩm làng nghề, nhân dân trong làng đã tìm tòi, sáng tạo ra những bức tranh dùng chất liệu tre, nứa hun khói, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo.

 

 

Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Lai Nguyễn Kim Hùng cho biết: Làng nghề tre trúc Xuân Lai đã tồn tại hàng trăm năm và phát triển mạnh vào những năm 90 của thế kỷ trước. Mặt hàng chủ yếu của người dân nơi đây là các vật dụng trong gia đình như bàn, ghế, thang, sào… Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, do nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, một số hộ chuyển sang sản xuất mặt hàng tranh tre, nứa hun khói. Ban đầu cả thôn có 3 hộ cùng sản xuất gồm gia đình anh Nguyễn Đình Quang, Nguyễn Văn Kỷ và anh Lê Văn Điệp. Dòng tranh tre phát triển mạnh vào năm 2008 – 2009. Tuy nhiên, do tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường, các gia đình dần chuyển hướng làm ăn, cả thôn chỉ còn một gia đình sản xuất nhưng cũng ở mức cầm chừng. 

 

Đến thăm cơ sở sản xuất tranh tre duy nhất còn lại trong thôn, anh Nguyễn Đình Quang, chủ cơ sở cho chúng tôi biết: Gia đình anh đã có 12 năm sản xuất tranh tre và cũng là một trong những người đầu tiên thí nghiệm sản xuất thành công sản phẩm mới này. Trước đây, công việc chính của gia đình anh Quang là sản xuất dát giường, để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, anh đã tạo hình cho bức dát bằng tre, nứa thành bức tranh sống động có hoa văn, phong cảnh. Các sản phẩm của gia đình anh nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Nhiều người thấy đẹp đã mang những mẫu tranh có sẵn đến nhờ anh vẽ lên giường. Trong quá trình sản xuất, tận dụng những mẩu tre, nứa thừa, anh dùng dây mây ghép lại thành phên và khắc họa thành bức tranh, tạo ra bước đi mới cho làng nghề. Ban đầu, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, anh phải đi khắp nơi để giới thiệu sản phẩm. Sau 2 năm bươn chải, sự kết hợp nhuần nhuyễn từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ và nghệ thuật dân gian trong sản phẩm, đã tạo đà mang dòng tranh của anh đi khắp các thị trường trong nước và quốc tế.

 

Trong căn phòng chưa đầy 50 m2, cùng tiếng ào ào từ đám thợ cạo, đôi bàn tay thoăn thoắt cầm kim tỷ mỷ, chỉn chu từng nét vẽ trên khuôn tranh, anh Quang tâm sự: Nghề làm tranh tre này đòi hỏi mỗi người thợ phải cẩn thận, chu đáo trong từng công đoạn, từ ngâm, cạo bì, phơi khô, hun, ken thành phên, vẽ mẫu, cạo tranh và đóng khung. Mỗi khâu đều có những yêu cầu riêng, nếu người thợ làm không tốt một công đoạn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cả sản phẩm. Tuy nhiên, việc vẽ mẫu tạo hình cho bức tranh được anh đánh giá cao hơn cả bởi nó đòi hỏi tài năng, khéo léo cùng sự sáng tạo của người thợ.

 

Theo anh: Để tạo nên một bức tranh đẹp yêu cầu quan trọng nhất là phải có nguyên liệu tốt. Cây nứa nhập về phải tươi, bóng, đủ tuổi thu hoạch, được người thợ ngâm dưới nước khoảng 4 tháng để bảo đảm độ bền, không bị mối mọt và tăng độ dẻo dai. Sau khi vớt lên, những cây nứa thô sẽ được các “lão thợ” có tay nghề uốn nắn cẩn thận thành những cây sào thẳng tắp rồi mang đi cạo bì, đẽo mấu, phơi khô. Đặc biệt, đối với những sản phẩm làm từ tre, nứa, nếu không được phơi dưới trời nắng to, chưa đủ độ khô sẽ làm màu tranh sẽ thâm lại. Sau đó, nứa sẽ được xếp ngay ngắn vào lò và được hun bằng rơm. Khi hun quan trọng nhất là lò hun phải kín, khói lan đều, lửa không được cháy. Sau 5 ngày, nứa được mang ra sẽ chuyển sang màu vàng bóng hoặc nâu sẫm. Tre, nứa sau khi hun được người thợ tán thành từng thanh nhỏ rồi dùng dây mây ghép lại, tùy theo yêu cầu của khách có thể sao chép hoặc vẽ tranh sáng tạo theo ý tưởng rồi dùng dao sắc nhọn để cạo vỏ, tạo hình theo nét vẽ. Bởi vậy, tranh tre, nứa hun khói Xuân Lai rất phong phú về kích cỡ, nội dung. Với hơn 100 mẫu, gia đình anh còn giữ với đầy đủ thể loại tranh dân gian, tranh Đông Hồ, tranh tứ quý, phong cảnh, chủ đề tự do. Dòng tranh được khách hàng ưa chuộng và đặt mua nhiều nhất là tranh phong cảnh, phố cổ, tứ quý. Mỗi năm gia đình anh xuất khẩu được hàng nghìn bức tranh chủ yếu vào thời gian giáp Tết, trừ chi phí gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng. Mặc dù đây là nghề thủ công, sử dụng chất liệu dân gian, được rất nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên cùng với sự mai một nhanh chóng của làng nghề tre trúc Xuân Lai, dòng tranh này đang phải đối mặt với nguy cơ thất truyền khi số người làm, giữ nghề ngày càng ít, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

 

Ông Nguyễn Đình Nam sinh năm 1962, Bí thư chi bộ thôn Xuân Lai ngậm ngùi: Trước những thách thức mới, làng nghề đã tìm cho mình hướng đi mới. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của người dân, để làng nghề phát triển trong giai đoạn hiện nay, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương như: Hỗ trợ về vốn, chính sách, tìm đầu ra cho sản phẩm… Mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây là được công nhận làng nghề truyền thống để nhân dân phát huy sức mạnh tổng hợp, quyết tâm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của ông cha.

 

Nguồn: TTXVN

tin tức - cẩm nang du lịch
Các địa điểm đang hấp dẫn tại thời điểm điểm hiện tại
khoảnh khắc lữ hành
Copyright © 2018 VNETRAVEL, All Right Reserved - Designed By ITGREEN
Gọi điện ZaloChỉ Đường