Trụ sở chính: 6 Tân Cảng, Phường 25, Quận Bình Thạnh, HCM
Phong tục tập quán của người Khơ Mú

Là một trong những dân tộc không có chữ viết riêng, nên nhiều bản sắc văn hóa của người Khơ Mú đã bị mai một. Nhưng với tính tự tôn dân tộc trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, lại có một kho tàng nghệ thuật dân gian phong phú đã góp phần quan trọng làm nên dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo, riêng có của người Khơ Mú.

 

Người Khơ Mú sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy. Công cụ sản xuất chỉ có rìu, dao rựa, cuốc và gậy chọc lỗ tra hạt. Sản phẩm trồng chỉa có lúa nương, ngô, khoai, sắn, bầu bí. Ngày nay người Khơ Mú đã tiếp thu canh tác ruộng lúa nước, làm đất bằng cày bừa, biết làm thủy lợi, bón phân cho cây trồng. Đồng bào chăn nuôi trâu bò để làm sức kéo, nuôi gia cầm chủ yếu dùng trong lễ nghi, tiếp khách và ngày nay đã trở thành hàng hóa để mua bán, trao đổi.

 

Sống xen kẽ trong vùng người Thái cư trú, bản của người Khơ Mú thường có người Thái sinh sống nên cũng có bản do người Khơ Mú làm trưởng bản, cũng có bản lại do người Thái đứng đầu. Bản của người Khơ Mú rất nhỏ, chỉ khoảng 5 – 7 nhà. Vì điều kiện du canh, du cư nên bản làng thường nhỏ bé, rải rác. Ngày nay, nhiều nhóm người Khơ Mú đã sống định cư, đã dựng được những ngôi nhà gỗ, tre chắc chắn, khang trang, rộng rãi.

 

Người Khơ Mú rất thạo nghề đan lát mây tre giang, làm thành những đồ gia dụng dùng trong gia đình và trao đổi với người Thái để lấy vải, đồ sắt. Nghề dệt vải, nghề mộc, nghề rèn không phát triển.

 

Về trang phục, phụ nữ Khơ Mú mặc giống phụ nữ Thái: Váy ống hẹp bó sát đùi, bó sát ngực, ống tay áo dài hoặc cộc, chỉ hơi khác là cách trang trí những hàng tiền bạc hoặc miếng tròn vỏ ốc dọc trước thân áo. Đầu cũng đội khăn piêu quấn vắt chéo trên đỉnh đầu, bà già thì đội mũ chỏm cao có ngù tua ở phía sau, còn nam giới thì hoàn toàn mặc theo người Thái, người Kinh. 

Người Khơ Mú sinh sống theo gia đình nhỏ phụ quyền. Khi trai gái đến tuổi được tìm hiểu bạn đời, hôn nhân phải theo chế độ một vợ, một chồng, nhưng để dẫn đến hôn nhân thì quyết định là do hai gia đình, đặc biệt là ông cậu. Hôn lễ được tiến hành qua các lễ ngỏ lời rồi đến lễ ăn dạm hỏi, sau đó lễ cưới được tổ chức bên nhà gái. Nhà trai phải dẫn sang nhà gái tiền mua người và đồ sính lễ. Cưới xong, người con trai ở rể bên nhà vợ một thời gian. Sau đó nhà trai lại tổ chức ăn uống, làm lễ đón dâu. Khi ở nhà vợ, người chồng đổi họ theo vợ, còn nếu có con thì con theo họ mẹ, trái lại khi về nhà chồng thì vợ phải đổi họ theo chồng và các con lại mang họ bố. Người cùng dòng họ không được lấy nhau, nhưng con trai cô được lấy con gái cậu.

 

Trong tang ma của người Khơ Mú diễn ra lễ thức đọc bài cúng tiễn biệt người chết, có âm nhạc chiêng, kèn phụ họa, rồi đưa thi hài đi mai táng.

 

Người Khơ Mú cho rằng, mọi hiện tượng đều có ma, ma trời (hroi lvang) là to nhất, có binh lính là giông bão, sấm sét. Ma đất (hroi plê) gồm ma đất từng địa phương, dưới quyền ma đất có ma nương, ma rừng, ma bản. Ma thuồng luồng (Pru đồng) tượng trưng cho sức mạnh của nước suối. Ma nhà (hroi gang), ma tổ tiên (hroi ta dạ). Các ma có thể mang đến điều lành cho con người, nhưng đôi khi giận giữ ma cũng trừng phạt con người.

 

Về lễ tết, ngoài tết Nguyên đán ra, người Khơ Mú còn ăn tết cơm mới. Tết được tổ chức sau vụ gặt tháng 10 âm lịch. Ðây là dịp vui của cả bản sau một thời gian lao động mệt nhọc. Tết cơm mới của người Khơ Mú thể hiện sắc thái văn hoá tộc người đậm nét. Họ còn duy trì nhiều nghi lễ liên quan đến nông nghiệp, trồng trọt. Trong các ngày lễ tết, trẻ em hay đánh cầu lông làm bằng lông gà, đánh quay và các trò chơi dân gian khác.

 

Nền văn học, nghệ thuật dân gian của người Khơ Mú rất phong phú, bao gồm: Truyện kể, thuyền thuyết, thần thoại… chủ yếu thông qua truyền miệng. Người Khơ Mú có rất nhiều làn điệu dân ca vừa trong trẻo vừa khỏe khoắn với lối hát mang đậm tính sử thi, trữ tình, giàu hình ảnh của cây ngàn, khe suối. Họ hãnh diện với những điệu hát Tơm (hát giao duyên) ngọt ngào, sâu lắng, nhất là làn điệu dân ca “Chiếc khăn piêu”. Cùng với làn điệu “Tơm”, khi lên rừng làm nương rẫy, hay xuống chợ, đi du xuân… người Khơ Mú thường hát điệu “Kưn chơ” (hát đi đường), âm vang, khỏe khoắn như tiếng vọng của đại ngàn.

 

Nhạc cụ và nhạc khí truyền thống của người Khơ Mú gồm: đàn trống (mbring rơbang), sáo dọc (piót), sáo nhiều ống (ho rơ), đàn môi, đàn dây (bring tơ hếch). Ngoài ra, còn sử dụng các loại nhạc cụ của người Thái như: Chiêng, trống, khèn bè, nhị hai cây, sáo… Độc đáo nhất trong hệ thống nhạc cụ người Khơ Mú là cây Pí Tơm. Người Khơ Mú rất thích xòe, múa tập thể. Điệu múa đặc trưng của người Khơ Mú là múa Cá lượn (Viêng ver guông). Ngoài ra, còn có những điệu như: Múa đuổi chim (Tẹ Kam Đặt Sim); múa cầu mùa (Te grơ); múa mừng nhà mới; múa dũ ống (tăng bu); múa tra hạt

Nguồn: LangvietOnline

tin tức - cẩm nang du lịch
Các địa điểm đang hấp dẫn tại thời điểm điểm hiện tại
khoảnh khắc lữ hành
Copyright © 2018 VNETRAVEL, All Right Reserved - Designed By ITGREEN
Gọi điện ZaloChỉ Đường