Các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, đã thống kê và chỉ ra tỷ lệ sự cố khi bay phụ thuộc vào quốc gia du khách đến và đi. Nhóm nghiên cứu chia các quốc gia nằm ở ba cấp độ rủi ro: thấp, trung bình và cao, dựa trên hồ sơ an toàn hàng không của những nước đó.
Nhóm rủi ro thấp nhất (cấp độ 1) gồm các nước thuộc Liên minh châu Âu EU, Australia, Canada, Trung Quốc, Israel, Nhật Bản, Montenegro, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ.
Một số quốc gia nằm trong nhóm cấp độ 2 hay rủi ro trung bình gồm Bahrain, Bosnia, Brazil, Brunei, Chile, Ấn Độ, Jordan, Kuwait, Malaysia, Mexico, Philippines, Qatar, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc). Những nước còn lại nằm ở cấp độ 3.
Nghiên cứu chỉ ra tại hai cấp độ đầu tiên, rủi ro tử vong khi đi máy bay giảm xuống còn 1 trên 80 triệu hay 80 triệu lượt khách đi máy bay mới có một người gặp sự cố. Với tỷ lệ trên, trung bình một hành khách lên một chuyến bay ngẫu nhiên mỗi ngày trong 220.000 năm mới có nguy cơ tử vong vì tai nạn máy bay.
Nguy cơ tử vong ở các quốc gia cấp độ 3 cao hơn khoảng 36% so với hai cấp độ còn lại, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong đang giảm dần.
Các nhà nghiên cứu từ MIT đã phân tích dữ liệu hành khách đi máy bay và thiệt mạng trên toàn thế giới từ năm 2018 đến 2022. Kết quả chỉ ra số ca tử vong trên máy bay đã giảm trung bình 7% theo từng năm, khi ngày càng có nhiều chuyến bay cất và hạ cánh. Theo đó, trung bình 13,7 triệu lượt khách đi máy bay mới có một người thiệt mạng.
Kết quả nghiên cứu không tính các vụ tai nạn xảy ra có chủ đích, như vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul năm 2021 khiến 170 người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Công bố được đưa ra sau khi nhà sản xuất máy bay Boeing phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề kỹ thuật, buộc công ty phải ngừng các chuyến bay thử nghiệm của mẫu máy bay 777-9. Cục Hàng không Liên bang (FAA) của Mỹ được cho đã kiểm tra dòng máy bay 787 Dreamliner do lỗi chuyển động ở ghế phi công
Nguồn: Báo VNEXPRESS