Trụ sở chính: 6 Tân Cảng, Phường 25, Quận Bình Thạnh, HCM
Chinh Phục “Tứ Đại Đỉnh Đèo” Huyền Thoại Của Việt Nam

Đối với những ai đam mê du lịch khám phá, nếu đã một lần đến với Tây Bắc thì chắc hẳn sẽ giữ lại cho mình nhiều ấn tượng khó phai, ngoài những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán lâu đời, đặc sắc của các dân tộc thiểu số, du khách không thể bỏ qua nét đẹp hùng vĩ của thiên nhiên núi rừng nơi đây. Và càng tuyệt vời hơn khi chính bản thân là người chinh phục, đặc biệt nổi bật lên trong đó là những con đèo hùng vĩ, quanh co uốn lượn đã đi vào tâm thức của du khách, được mệnh danh “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam: Đèo Mã Pí Lèng, Đèo Ô Quý Hồ, Đèo Pha Din, Đèo Khau Phạ.

 

Đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang)

Đây là cung đường chạy dài 20km uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Đoạn đèo này nổi tiếng với những cung đường uốn lượn như con rắn vắt mình từ ngọn núi này sang ngọn núi khác.

Con đường chạy qua đèo Mã Pì Lèng có tên gọi là đường Hạnh Phúc, được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam xây dựng từ năm 1959 – 1965. Tại đoạn đường đèo, các nhân công đã phải treo mình trên dây giữa các vách đá để thi công trong suốt 11 tháng.

 ma pi leng

 

 

Vượt qua khó khăn, gian khổ của sự thiếu thốn. Vượt qua sự ngán trở của Mẹ thiên nhiên hung dữ. Từ sức người phi thường cùng tinh thần bất khuất vượt khó, nhân dân các dân tộc Việt Nam đã khai rừng, phá núi để làm nên những con đường thần diệu cho chúng ta ngày nay. Đi, để biết, để chiêm ngưỡng. Đi, để thêm yêu quê hương Việt Nam.

Tại đây hiện có 1 trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.

Từ năm 2009, vùng núi Mã Pí Lèng đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan. Đỉnh đèo là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam.

 

Đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai – Lai Châu)

Với chiều dài gần 50km, đèo Ô Quy Hồ là con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc. Đây cũng là một trong số những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất Việt Nam, còn được mệnh danh là “vua đèo Tây Bắc”.

Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quy Hồ được ví như một sợ chỉ nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo ở độ cao 2.000m chính là ranh giới giữa hai tỉnh.

Tên gọi Ô Quy Hồ xuất phát từ tiếng kêu da diết của một loài chim, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Bên cạnh đó, đèo Ô Quy Hồ cũng được gọi là đèo Hoàng Liên, do vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.

 

2

 

Vẻ đẹp của đèo Ô Quý Hồ luôn luôn biến ảo: Bên phía Lào Cai thì mù sương, bên phía Lai Châu thì nắng ấm; mùa đông thì có băng tuyết, mùa hạ thường có mây bao phủ bồng bềnh, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

 Từ đỉnh đèo ngày đẹp trời du khách có cơ hội ngắm toàn cảnh con đường ô tô vượt đèo chạy qua rừng núi hùng vĩ để sang Bình Lư hay về Du Lịch Sa Pa. Gặp hôm trời nắng đẹp còn được ngắm nhìn vẻ kiêu hùng của đỉnh núi Phan Xi Păng từ hướng Lai Châu. Còn mùa đông giá lạnh, có những ngày dưới 0°C, phong cảnh đèo Ô Quý Hồ đẹp lạ lùng, ít nơi nào có được bởi tuyết  bay trắng rừng.

Dưới chân đèo về phía Sa Pa là Thác Bạc, một trong 10 thác nước đẹp nhất Lào Cai, luôn được giới trẻ tìm đến khám phá. Vẻ đẹp của đường đèo Ô Quý Hồ từ lâu đã thu hút rất đông du khách quốc tế tới chiêm ngưỡng và nơi đây cũng là nguồn cảm xúc sáng tạo của nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thành Long, Võ An Ninh, Vĩnh Cát, Ma Văn Kháng, Lò Ngân Sủn…

 

Đèo Pha Đin (Điện Biên)

“Dốc Pha Đin anh gánh chị thồ – Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”, đèo Pha Đin đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Đèo nằm trên quốc lộ 6, đường từ Hà Nội lên Điện Biên, ở ranh giới giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Đèo Pha Đin có độ dài 32km với điểm cao nhất là 1.648m. Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, nghĩa là “Trời và Đất”, hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.

 

3

 

Đèo Pha Đin vừa nổi tiếng hiểm trở, vừa là nơi có khung cảnh đẹp mê hồn. Trên lưng chừng đèo thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.

 

Đèo Khau Phạ (Yên Bái)

Đây là con đèo dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30km. Và cũng là một trong những cung đường đèo quanh co, dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.

Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.

  

4

 

Khung cảnh nhìn từ đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín tháng 9 tháng 10, khi những triền ruộng bậc thang của các dân tộc Mông, Thái vào mùa lúa chín, rực rỡ sắc vàng và cũng là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp này.

Ngoài những thửa ruộng bậc thang trải dài miên man, nằm bên cung đường đèo quanh co của Khau Phạ còn cả những cánh rừng già mang đậm nét nguyên sơ, lưu giữ được nhiều loại động thực vật quý hiếm.

Mỗi chuyến ngao du là một kỷ niệm, mỗi chuyến vượt đèo là một trải nghiệm cho người đi, hãy đi và chinh phuc nó để có thêm những trải nghiệm cho riêng mình và có thêm những dòng nhật ký bạt ngàn về vùng đất Tây Bắc này.

Riêng bản thân tôi dù đã một lần đặt chân đến với Tây Bắc nhưng chưa thực hiện được niềm đam mê bấy lâu của mình là một lần chinh phục nó… Và nếu một lần được trở lại nhất định tôi sẽ hoàn thành ước nguyện của mình.

 

Văn Trực

Tin liên quan

tin tức - cẩm nang du lịch
Các địa điểm đang hấp dẫn tại thời điểm điểm hiện tại
khoảnh khắc lữ hành
Copyright © 2018 VNETRAVEL, All Right Reserved - Designed By ITGREEN
Gọi điện ZaloChỉ Đường