Trụ sở chính: 6 Tân Cảng, Phường 25, Quận Bình Thạnh, HCM
Tất tần tật về đi xe lửa ở châu Âu

Đây là các kinh nghiệm đi tàu lửa của Châu Âu đã được Vietnet travel xem xét để chia sẽ kinh nghiệm cho quý khách. Có những chuyến đi tuyệt vời cho mình. Hãy đồng hành cùng Vietnet để Vietnet  có nhiều kinh nghiệm bổ ích cho quý khách.

Loạt bài này bao gồm 6 mục, trong đó mục số 6 – Di chuyển ở châu Âu – bao gồm rất nhiều thông tin chi tiết về các hình thức di chuyển phổ biến ở cựu lục địa như bus, xe lửa, máy bay, thuê xe tự lái, v.v…

 

  1. Thông tin khái quát.

Nếu bạn không ngại đọc tiếng Anh thì trang seat61.com thật sự là một bách khoa toàn thư về đường sắt châu Âu (và cũng rất nhiều thông tin về đường sắt những nơi khác).

Thật là một kho báu thông tin vì ở đây bạn có thể tìm được gần như mọi thứ thông tin bạn cần và cả những cách đi tốt hơn hoặc rẻ hơn mà bạn không hề nghĩ tới.

Ở đây mình sẽ tóm tắt lại những thông tin mà mình học được từ Seat61, từ việc “ngâm cứu” trang web của các hãng đường sắt và từ kinh nghiệm đi tàu ở châu Âu của bản thân.

Kiểm tra giờ tàu, tìm tuyến đường

Nếu bạn cần tìm cách đi từ A đến B nói chung, mình khuyên dùng Rome2Rio.

Nhưng nếu bạn đã xác định rõ sẽ đi xe lửa từ A đến B, bạn có thể vào trang web của hãng đường sắt quốc gia Đức (www.bahn.de/en) để xem giờ tàu  cho TOÀN CHÂU ÂU. Vầng, thật là một trang web thần diệu.

Tất nhiên trang web này chỉ bán vé cho tàu Đức và tàu quốc tế đi từ / đến Đức, nhưng thật quá hay khi bạn có thể xem cả giờ tàu từ Moscow đến St. Petersburg ở đây.

App để xem giờ tàu châu Âu:

Các loại tàu khác nhau ở châu Âu

  1. Tàu nội thị / nội đô (local train, suburban train): Tàu đi trong một thành phố (thường là thành phố lớn).
  2. Tàu vùng (regional train): Đi từ làng này sang làng khác, thị trấn này sang thị trấn khác nhưng trong cùng một vùng nhỏ.
  3. Tàu đường dài (long-distance train, intercity train): Thường đi nhanh hơn tàu vùng, có thể nối 2 thành phố trong cùng một nước mà cũng có thể nối 2 thành phố ở 2 nước khác nhau.

Trong bài này mình cũng sẽ dùng từ “tàu nội địa” để chỉ những tàu đi nội trong một nước và “tàu quốc tế” để chỉ những tàu đi xuyên biên giới. Hai khái niệm này không liên quan đến cách phân loại ở trên.

Tàu nội thị và tàu vùng có cách hoạt động tương tự như nhau: Giá vé cố định, mua sớm không rẻ hơn nên cứ ra ga rồi mua cũng được.

Ở Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Thụy Sỹ, tàu nội địa trong từng nước cũng vận hành theo quy tắc tương tự: Giá vé cố định. Bạn có để ý điểm gì chung về những nước này không?

Đây đều là những nước có diện tích nhỏ nên tàu nội địa dù có đi từ thành phố này sang thành phố khác thì cũng giống tàu vùng thôi.

Lưu ý: Vé tàu quốc tế đi từ 1 trong 4 nước này tuân theo quy luật khác vì nó là tàu đường dài (loại 3 theo phân loại ở trên).

Vé tàu đường dài thì phức tạp hơn một chút (giá không cố định):
  1. Tàu đường dài ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển: giá vé theo phong cách dynamic của giá vé máy bay: MUA CÀNG SỚM CÀNG RẺ! Vé tàu cao tốc quốc tế đi từ Pháp hoặc đến Pháp cũng tuân theo quy luật này.
    Loại vé rẻ mua trước cũng giống như vé máy bay, bạn mua chuyến nào thì phải đi đúng chuyến đó. Vé không đổi trả được. (Vé full-price thì có thể đổi / trả).
    Lưu ý: Vé tàu đường dài ở những nước này luôn kèm theo phần chỗ ngồi đặt trước (seat reservation). Phần đặt chỗ này là bắt buộc nên nếu dùng các loại thẻ đi tàu như Eurail Pass hay Interrail Pass (xem thông tin bên dưới) thì bạn không phải mua vé nhưng vẫn phải đặt chỗ (và có thể phải trả tiền cho phần đặt chỗ nữa).
  2. Tàu đường dài ở UK, Đức, Áo, Đan Mạch, Trung Âu và Đông Âu nói chung: Theo kiểu vé tàu truyền thống.
    Vé chia ra 2 loại: Loại full price có giá cố định, mua trong ngày hay mua trước cũng thế, vé có thể dùng cho bất cứ chuyến tàu nào trong ngày trên vé (tất nhiên là phải đúng tuyến đường đã mua).
    Vé mua trước thì rẻ hơn (nhiều) nhưng bạn sẽ phải đi đúng chuyến ghi trên vé và điều kiện đổi trả khá hạn chế. Vé mua trước này có nhiều nấc giá và số vé ở mỗi nấc có giới hạn. Khi số vé ở nấc rẻ nhất được bán hết thì bạn sẽ phải mua vé với giá ở nấc tiếp theo.
    Vé tàu ở những nước này không bắt buộc đặt chỗ nhưng bạn có thể đặt chỗ được khi mua vé (có phí). Nếu bạn không đặt chỗ, bạn có thể ngồi bất cứ chỗ nào chưa có người đặt trên tàu.

Nên mua vé sớm trước bao lâu?

Khác với vé máy bay có thể mua trước cả 10 – 12 tháng, vé tàu thường chỉ được bán trước khoảng 3 tháng (đây thực ra là điều tốt vì bạn không cần mua trước quá xa để mua được vé rẻ).

Một số tàu có bán vé trước 120 hoặc 180 ngày nhưng số này rất ít, và ở các nước Trung / Đông Âu thì vé thường chỉ bán trước 60 ngày (thậm chí 45 ngày).

Lịch tàu chạy cũng thường thay đổi vào giữa tháng 6 và giữa tháng 12 nên nếu bạn muốn mua vé đi tầm này thì cũng không mua được quá sớm.

Tips của chị Hà Nguyễn: Mua vé trước 1 – 2 tháng là được rồi. Thường thì trước môt tháng vẫn có vé rẻ (nhất).

Với những địa điểm / tuyến đường mở bán vé sớm và bạn lo lắng hết vé rẻ nhất thì có thể mua sớm 2 tháng (hoặc hơn nếu muốn).

Mua vé ở đâu?

Với tàu nội địa, mình thường vào trang web của hãng và mua trực tiếp. Với tàu quốc tế, mình sẽ ta cứu với seat61.com trước xem mua ở đâu tốt nhất.

Lưu ý khi mua vé online: Kiểm tra option về việc lấy vé (ví dụ có tự in vé được không hay phải collect ở station). Với vé tàu nội địa thì không thành vấn đề nhưng với tàu quốc tế thì phải để ý.

Trang seat61 có recommendation cho website tốt nhất để mua vé ở từng nước, thậm chí cho từng tuyến đường.

Lưu ý: Bạn luôn có thể mua vé tại các ga ngay ngày đi, nhưng vé có thể mắc hơn (nhiều) so với  vé mua trước.

Eurail & InterRail Passes

Đây là các loại thẻ đi tàu cho phép bạn đi không giới hạn trong số ngày quy định của thẻ.

InterRail là loại pass dành cho những người sống ở châu Âu.

Eurail Pass chỉ bán cho du khách đến từ bên ngoài châu Âu.

Trên lý thuyết, loại thẻ này rất tuyệt vì sự tiện lợi của nó. Hãy tưởng tượng bạn có một chiếc thẻ Eurail Pass loại Global (đi được 26 nước) có giá trị cho 5 ngày bất kì trong 1 tháng.

Bạn có thể hoàn toàn xách túi lên bất cứ chuyến tàu nào theo ngẫu hứng và đi bao xa cũng được, và bạn có thể lặp lại việc này 5 lần trong 1 tháng kể từ ngày bạn dùng pass lần đầu tiên.

Nghe quá ư là hoàn hảo, nhưng điểm trừ lớn nhất khiến những loại pass này không còn hấp dẫn là vì… giá cao ngất ngưởng của chúng!

Nếu bạn quyết định mua pass, hãy mua vì sự tiện lợi linh động của nó chứ đừng vì nghĩ nó rẻ nhé.

Trừ khi bạn đi tàu rất nhiều trong lịch trình và đi những chặng rất xa, đắt tiền thì các loại pass tính ra đắt hơn vé lẻ khá nhiều, nhất là so với vé mua sớm giá rẻ.

2. Các hãng xe lửa, loại xe lửa và những chuyến đường thú vị.

Mỗi nước châu Âu đều có một hãng đường sắt quốc gia*. Một số nước có thêm một hoặc vài hãng tư nhân.

Hãng quốc gia sẽ có mạng lưới đường sắt phủ rộng cả nước, còn các hãng tư nhân thường chỉ khai thác một số tuyến đường và cạnh tranh với hãng quốc gia bằng cách bán vé rẻ hơn hoặc có cách tính giá vé khác đi.

Ví dụ ở Ý thì hãng chính là Trenitalia và có thêm hãng tư nhân như Italo (Italo thực ra là thương hiệu tàu của hãng NTV), ở Áo thì hãng chính là OBB và có thêm Westbahn, ở Thụy Sỹ thì hãng quốc gia là SBB và có thêm một số các hãng tư nhân (chủ yếu là các hãng vận hành tàu du lịch), v.v…

Ngoài những hãng tàu trong từng nước thì còn có những hãng liên doanh (thường giữa những hãng quốc gia) để vận hành những tuyến đường xuyên quốc gia.

Ví dụ như Thalys là hãng liên doanh giữa SNCF (Đường sắt quốc gia Pháp) và SNCB (Đường sắt quốc gia Bỉ), vận hành những tàu cao tốc trên tuyến đường Paris – Brussels – Amsterdam/Cologne (Köln).

Eurostar vận hành những tàu cao tốc nối London với Paris và những thành phố ở Bỉ.

Thello nối Paris trực tiếp với Venice và một số thành phố khác ở Ý. TGV – Lyria (liên doanh giữa SNCF và SBB) nối Paris và một vài thành phố phía Nam nước Pháp với một số thành phố lớn ở Thụy Sỹ…

Ngoài tên những hãng tàu, chắc hẳn bạn cũng đã nghe tới những thương hiệu nổi tiếng như TGV, RailJet…

Những cái tên này là thương hiệu (brand name) chứ không phải tên hãng. TGV là loại tàu cao tốc đường dài của đường sắt Pháp. Còn RailJet là tàu cao tốc quốc tế của đường sắt Áo.

Phân biệt các loại tàu

Tàu cao tốc vs. tàu nhanh

Nhiều người hay nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này.

Tàu cao tốc (high-speed train) thường là tàu đường dài nối các thành phố lớn.

Tàu nhanh (express train) thường là tàu chạy thẳng giữa hai thành phố mà không dừng / ít dừng dọc đường. Chữ “nhanh” ở đây không liên quan đến tốc độ mà chỉ có nghĩa là ít dừng / chạy suốt (Express Bus cũng vậy).

Tất nhiên tàu express luôn nhanh hơn những tàu dừng nhiều, không chỉ vì tốn ít thời gian dừng mà còn vì ít dừng thì mới chạy được với tốc độ nhanh hơn.

Bản thân chữ express có nghĩa là “nhanh hơn bình thường” (chứ không đơn giản là “nhanh”).

Lưu ý: Direct train giữa 2 thành phố là tàu chạy “thẳng” giữa 2 thành phố, theo nghĩa không phải đổi tàu, đổi tuyến (Direct Bus cũng thế).

Các loại tàu và kí hiệu viết tắt

  • RV, R: Regional train – tàu vùng, thường dừng ở tất cả các ga trên đường đi.
  • Regional Express – tàu vùng chạy suốt / ít dừng.
  • IC: Intercity train – Tàu liên tỉnh, thường chỉ dừng ở những ga lớn.
  • EC: EuroCity train – Tàu liên tỉnh Intercity chất lượng cao (phải đạt một số tiêu chuẩn nhất định) và thường là tàu xuyên quốc gia, được hợp tác vận hành bởi các hãng đường sắt quốc gia của những nước liên quan.

Những tàu cao tốc và cao cấp hơn thì thường có thương hiệu riêng như đã nói ở trên, ví dụ như TGV của Pháp, Frecciarossa, Frecciargento của Ý, AVE của Tây Ban Nha… Những tàu này chạy với tốc độ lên tới trên 300 km/h.

Để làm cho mọi thứ khái niệm bị… rối hơn, người Đức gọi tàu cao tốc của họ là ICE (Intercity Express). Tất nhiên không có gì sai, vì tàu cao tốc bao giờ cũng ít dừng.

Tàu đêm (night train/sleeper train)

Đây là loại tàu có giường nằm, chạy qua đêm khi bạn cần di chuyển một quãng đường lớn.

Nếu bạn đi cả gia đình hoặc đi với một nhóm bạn, bạn có thể mua nguyên một khoang 4 – 6 giường.

Trẻ con sẽ rất thích thú với một “căn phòng” có những chiếc giường tầng trên tàu, mà người lớn thì cũng thích thú không kém.

Đi tàu đêm cho cảm giác thú vị giống như đi cắm trại vậy. Càng thú vị hơn là cảm giác được ở trên một con tàu đang lao đi trong đêm và sáng hôm sau bạn tỉnh dậy ở một thành phố mới. Và nếu bạn may mắn đi vào một đêm trăng sáng thì thật tuyệt.

Nếu đi 2 người, bạn có thể mua vé hạng deluxe khoang 2 người riêng.

Một số tuyến đường có tàu đêm
  • Caledonian Sleeper trains: Nối London với những thành phố, thị trấn ở Scotland.
  • Austrian Nightjet sleeper trains: Có rất nhiều tuyến, nối các thành phố giữa Đức, Áo, Thụy Sỹ và Ý. Ví dụ: Düsseldorf, Cologne, Koblenz hoặc Hamburg với Linz, Vienna hoặc Munich, Innsbruck | Hamburg hoặc Berlin với Basel, Zurich | Vienna hoặc Munich với Venice | Vienna hoặc Munich, Salzburg với Milan, Bologna, Florence, Rome | Berlin hoặc Zurich với Vienna.
  • Trenhotel Lusitania nối Madrid với Lisbon.
  • Thello sleeper train nối Paris-Milan-Verona-Venice.
  • Tàu đêm của TrenItalia nối Milan hoặc Rome với Sicily.
  • Tàu Chopin nối Prague với Krakow, Warsaw

Tàu khách sạn (cruise train/hotel train)

Chắc hẳn bạn đã từng xem một bộ phim nào đó về châu Âu thời cổ, với giới quý tộc trên những chuyến tàu du lịch như những khách sạn di động với nhà hàng sang trọng ngay trên tàu.

Giống với cruise ship (du thuyền), cruise train cũng bán vé trọn gói cho những hành trình khoảng từ vài ngày đến 2 tuần.

Vé này thường đã bao gồm tất cả chi phí ăn ở và tour ban ngày cho toàn bộ hành trình. Thật là một hình thức du lịch lý tưởng nếu bạn có ít thời gian mà vẫn muốn tham quan được nhiều điểm đến nổi tiếng.

Bạn chỉ phải unpack đồ một lần, không phải lo đặt khách sạn và pack đồ lại khi chuyển khách sạn. Không phải lo phương tiện di chuyển giữa các thành phố cũng như trong từng thành phố. Nói chung là không phải lo lắng về một vấn đề gì hết trừ…

TIỀN!!!

Trời ơi, mình sung sướng bao nhiêu khi tìm được hành trình cruise train mơ ước thì cũng… tiu nghỉu bấy nhiêu khi thấy giá tiền.

* UK là một ngoại lệ vì không có hãng quốc gia nào. Mạng lưới đường sắt UK được vận hành bởi hơn 20 hãng tư nhân, hoạt động thống nhất với nhau dưới cái tên National Rail – nghĩa là hãng “đường sắt quốc gia” UK không phải một hãng mà là tập hợp của rất nhiều hãng.

3. Mua vé xe lửa – Xe lửa nội địa.

Nếu bạn search giờ tàu bằng những trang web khác như bahn.de hay trainline.eu v.v… và tìm được những tuyến do một hãng tư nhân vận hành (ví dụ như Westbahn ở Áo cho tuyến đường Vienna – Salzburg), bạn có thể vào trang web của hãng tư nhân đó, hoặc mua luôn ở một trang bán vé như trainline.eu.

Trong phần này mình sẽ liệt kê cách mua vé nội địa ở một số nước châu Âu – cả trang web của hãng quốc gia và những trang bán vé khác nếu trang quốc gia không tiện dụng.

Mình sẽ ưu tiên liệt kê những trang web chấp nhận thẻ tín dụng quốc tế và cho phép bạn in vé tại nhà (và sẽ chú thích nếu không có lựa chọn này).

Nhóm 1: Nước nhỏ

Tàu Intercity cũng theo nguyên tắc tàu vùng: Giá vé cố định, cứ đến ga mà mua cũng thế. Vé có giá trị cho bất cứ chuyến tàu nào trong ngày (tất nhiên chỉ dùng được cho tuyến đường bạn mua).

1. Bỉ

Hãng quốc gia: SNCB (www.belgianrail.be). Vé mua sớm giá rẻ nên không cần mua trước, cứ ra ga mua thôi.

Vé khứ hồi cuối tuần: Nếu bạn đi và về từ sau 7h tối thứ Sáu đến hết ngày Chủ Nhật, bạn có thể mua vé khứ hồi cuối tuần với giá chỉ hơn vé 1 chiều một chút.

Rail pass cho 10 chuyến tàu: Giá 77 Euro, có giá trị trong vòng một năm, dùng được cho 10 chuyến tàu bất kì nội trong nước Bỉ. Nhiều người dùng chung cũng được.

Người 26 tuổi: Có rất nhiều loại vé ưu đãi, bạn vào trang web của SNCB để tìm loại phù hợp nhé (nếu thấy nhiều loại quá rối mắt thì xem Go Pass 1 với Go Pass 10 thôi).

Trẻ em: Được đi tàu miễn phí nếu đi kèm người lớn (1 người lớn có thể dẫn theo 4 trẻ em dưới 12 tuổi).

2. Luxembourg

Hãng quốc gia: CFL (www.cfl.lu). Vé mua sớm giá rẻ giống như Bỉ, ở Luxembourg bạn cứ đến ga mà mua thôi.

Vé short time ticket: Giá 2 Euro, có giá trị trong vòng 2 tiếng kể từ khi mua.

Vé ngày day ticket: Giá 4 Euro, có giá trị đến 4h sáng ngày hôm sau, đi đâu cũng được.

Vé nhóm group ticket cho một ngày: Giá 12 Euro, dùng được cho 5 người, có giá trị từ lúc mua đến 4h sáng ngày hôm sau.

Mua vé tại phòng vé hoặc máy bán vé ở nhà ga hoặc app điện thoại. Cả ba loại vé đều dùng được cho cả xe bus nhé.

3. Hà Lan

Hãng quốc gia: NS (www.ns.nl). Vé mua sớm giá rẻ: Không có. Giống hai nước trên.

Mua vé online và in ra (hoặc mua bằng app) thì rẻ được… 1 Euro, vì mua ở máy tại ga sẽ phải trả thêm 1 Euro tiền cái thẻ OV chipkaart xài một lần. Mua ở quầy vé tốn thêm 50 xu nữa là nhiều hơn 1,5 Euro so với mua online.

Giá vé 2 chiều bằng 2 lần giá vé 1 chiều, nhưng bạn tiết kiệm được 1 Euro vì chỉ phải trả tiền cho một cái thẻ OV chipkaart thay vì hai thẻ (trong trường hợp mua vé ở ga).

Nếu dùng vé OV chipkaart thì bạn phải check-in ở ga đi và check-out ở ga đến (quẹt thẻ qua máy đọc vé ở cổng).

Vé nhóm giờ thấp điểm (off-peak group ticket): chỉ dùng được vào giờ thấp điểm, ngày thường là trước 06:30, từ 09:00 đến 16:00 và sau 18:30, còn ngày cuối tuần và ngày lễ thì giờ nào cũng được. Giá vé là 30 Euro cho 4 người. Từ người thứ 5 trở đi chỉ thêm 1,5 Euro mỗi người (tối đa 7 người). Vé dùng được cho một chuyến tàu nội địa bất kỳ, miễn là trong thời gian quy định.

Lưu ý: Vé này chỉ mua được online hoặc dùng app. Nếu dùng app thì không phải in vé.

Tên app: NS Reisplanner Xtra

Amsterdam Travel Ticket: Dùng được cho tất cả các phương tiện công cộng ở Amsterdam, kể cả xe bus từ sân bay về trung tâm thành phố (Amsterdam Airport Express bus). Giá vé 1 ngày là €16, 2 ngày là €21 và 3 ngày là €26. Mua tại sân bay, các ga…

Ngoài vé này thì còn có các vé tương tự cho những vùng rộng hơn, bạn có thể xem thêm TẠI ĐÂY.

Trẻ em dưới 4 tuổi: Miễn phí. Trẻ em từ 4 – 11 tuổi chỉ cần mua vé RailRunner giá €2,5 là đi được cả ngày không giới hạn.

Giá vé tàu ở Hà Lan khá mắc, may là bây giờ có thể mua được bằng thẻ tín dụng Visa hoặc Mastercard cả online và ở máy bán vé (chứ hồi xưa chỉ có dùng thẻ Hà Lan và tiền xu, còn không thì phải mua tại quầy).

Nếu bạn gặp rắc rối khi thanh toán trên trang www.ns.nl thì có thể dùng www.nsinternational.nl hoặc www.b-europe.com.

Vậy là xong nhóm 3 nước be bé xinh xinh thường được gọi tắt là BeNeLux (Belgium, Netherlands, Luxembourg).

Nước be bé xinh xinh tiếp theo là Thụy Sỹ. Xe lửa ở Thụy Sỹ cũng có giá vé theo nguyên tắc tàu vùng, giá cố định cho từng tuyến đường và vé dùng được cho bất cứ tàu nào trong ngày cho tuyến đường đó.

Tuy nhiên Thụy Sỹ có hơi khác chút xíu là có vé giá rẻ gọi là vé Supersaver (hình như là khuyến mãi ngẫu nhiên chứ không có quy luật nào). Sau đây là vài thông tin cơ bản.

4. Thụy Sỹ

Hãng quốc gia: SBB (www.sbb.ch).

Hãng tư nhân: Matterhorn Gotthard Bahn (MGB), Rhätische Bahn (RhB), Bern – Lotschberg – Simplon (BLS)…

Lưu ý: Các hãng tư nhân ở Thụy Sỹ chủ yếu vận hành tàu phục vụ du lịch (scenic train) và vài tuyến đường nhỏ. Trang web http://www.sbb.ch bán vé cho toàn bộ tàu ở Thụy Sỹ trừ vài tuyến tàu du lịch.

Vé mua sớm giá rẻ: Có, nhưng vé này chỉ có trên hệ thống trước 30 ngày.

Vé Supersaver chỉ có online trên trang SBB. Giá có thể giảm tới 50% nhưng chỉ có giá trị cho chuyến tàu bạn chọn và không đổi trả được.

Update: SBB cập nhật trên trang web của họ là hiện nay vé Supersaver có thể available trước 60 ngày.

Half-fare card: Gần như người dân Thụy Sỹ nào cũng có thẻ này nếu họ đi tàu. Vậy nên khi tìm vé trên trang web của SBB bạn luôn thấy giá đã giảm 1/2 cho người có Half-fare card.

Loại Half-fare card cho người nước ngoài có giá trị trong vòng một tháng, giá 120 CHF (Franc Thụy Sỹ).

Swiss Travel Pass: Đây không phải là Eurail Pass cho Switzerland nhé! Thẻ này có lợi thế hơn nhiều so với Eurail Swiss Pass vì dùng được cho tất cả các phương tiện công cộng khác nữa.

Saver Day Pass: Dùng được trong ngày cho tất cả mọi loại phương tiện công cộng, giá từ 52 CHF (mua sớm trước khoảng một tháng).

Nhóm 2: Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển.

Đây là những nước mà vé xe lửa đường dài có giá dynamic và xe lửa đường dài ở những nước này cũng luôn yêu cầu đặt chỗ.

Với những nước này, ngay cả vé full-price, mua tại ga trong ngày cũng chỉ dùng được cho chuyến tàu in trên vé.

5. Pháp

Hãng quốc gia: SNCF (oui.sncf).

Trang web khác để mua vé: http://www.loco2.com hoặc http://www.trainline.eu (dễ sử dụng hơn trang chính hãng).

Đừng mua vé ở các trang của Rail Europe nhé, vì nó tính phí booking, không được tự chọn chỗ, còn trang Rail Europe US đặc biệt hay ém nhẹm các vé giá rẻ!

Update: Trang chính hãng (en.oui.sncf) giờ dễ dùng hơn nhiều rồi. Đặc biệt là nếu bạn đi nhóm đông thì mua theo nhóm được giảm giá đó. Mua 3 vé thì vé thứ 4 free.

Vé mua sớm giá rẻ: YES! 

Vé xe lửa đường dài ở Pháp bắt buộc đặt chỗ nên vé mua cho chuyến nào luôn chỉ dùng được cho chuyến ấy, dù có là vé full price. Tất nhiên vé full price đổi trả được (có thể mất phí).

Các loại giá vé:

  • Pro: Vé full-price.
  • Loisir: Vé khuyến mãi, có đổi trả được nhưng điều kiện hạn chế.
  • Prems: Vé khuyến mãi không đổi trả được.

Có một số loại vé bạn không in ở nhà được mà phải lấy vé ở quầy hoặc máy bán vé ở ga.

Trừ những vé điện tử tự in ở nhà được, tất cả vé tàu ở Pháp đều phải được validate trước khi lên tàu, ở những máy có chữ Compostez votre billet tại ga.

6. Ý

Hãng quốc gia: TrenItalia (www.trenitalia.com).

Hãng tư nhân:

  • Italo (NTV) khai thác tuyến đường Turin – Milan – Bologna – Florence – Rome – Naples và Venice – Florence – Rome – Naples (www.italotreno.it).
  • Trenord (liên doanh giữa TrenItalia và Lenord) vận hành một số tàu địa phương ở phía Bắc nước Ý (http://www.trenord.it).

Trang web khác để mua vé: http://www.loco2.comwww.trainline.euhoặc www.italiarail.com (trang ItaliaRail có tính phí €3,5 nhưng là trang rất tốt để đặt vé tàu Ý).

Update: Gần đây mình có dùng 3 trang khác nhau cho vé tàu Ý. Trang ItaliaRail vẫn dễ dùng nhất. Trang chính hãng của TrenItalia cũng rất dễ dùng. Cả 2 trang đều cho phép bạn tự chọn chỗ ngồi. Trang RailEurope thì không cho bạn tự chọn chỗ mà xuất vé luôn.

Vé mua sớm giá rẻ: YES.

Xe lửa đường dài ở Ý không yêu cầu bạn in vé ra (ticketless), chỉ cần có mã PNR (có trên vé / email khi bạn mua online).

Tàu vùng thì bạn phải in vé ra, còn nếu bạn chọn lấy vé tàu vùng ở ga thì vé này phải được validate trước khi lên tàu.

7. Tây Ban Nha

Hãng quốc gia: Renfe (www.renfe.com).

Trang web khác để mua vé: www.loco2.com (dễ dùng hơn trang chính hãng).

Vé mua sớm giá rẻ: YES.

Các loại giá vé:

  • Flexible: Đây là vé full-price.
  • Promo+: Vé khuyến mãi, có đổi trả được nhưng điều kiện hạn chế và mất phí.
  • Promo: Vé khuyến mãi không đổi trả được.

Trẻ em dưới 4 tuổi đi tàu miễn phí nhưng vẫn phải có vé. Nếu bạn quên không book vé cho em bé khi book cho bố mẹ online thì có thể lấy vé em bé tại ga. Đây là nước duy nhất yêu cầu trẻ em đi miễn phí vẫn phải có vé.

Combinado Cercanias: Vé tàu nội thị miễn phí ở điểm đi và điểm đến, được tặng kèm theo vé tàu đường dài.

Khi bạn mua một vé tàu đường dài nội trong Tây Ban Nha từ trang web chính hãng của Renfe hay một trang có kết nối trực tiếp với Renfe như loco2.com, trên vé sẽ có một mã (password) Combinado Cercanias in trên vé, ở phía dưới số vé.

Bạn dùng code này để lấy vé tàu nội thị từ máy bán vé hoặc quầy bán vé tàu nội thị. Vé này chỉ sử dụng được trong vòng 3 tiếng từ trước giờ khởi hành / sau giờ đến của chuyến tàu đường dài.

Mình chưa dùng vé này bao giờ nên bạn nào dùng rồi thì chia sẻ kinh nghiệm nhé.

Renfe Spain Pass: Khác với các loại Eurail Pass, loại pass này của đường sắt Tây Ban Nha không tính theo ngày mà tính theo chuyến.

Bạn có thể mua loại pass cho 4, 6, 8, 10 chuyến trong vòng một tháng, mỗi chuyến dùng được cho một tuyến đường bất kỳ, miễn là bạn không phải chuyển tàu (nếu chuyển tàu 1 lần thì bị tính là 2 chuyến).

Thông tin chi tiết Ở ĐÂY.

Kiểm tra an ninh tại ga khi đi tàu cao tốc: Bạn sẽ phải cho hành lý qua máy quét X-ray trước khi lên tàu. Nên đến sớm ít nhất 15 phút so với giờ tàu chạy nhé! (TBN là nước duy nhất có kiểm tra an ninh tại ga tàu, nhưng chỉ kiểm tra với tàu cao tốc.)

Cam kết đúng giờ: Renfe rất hay khi tự nguyện bồi thường cho khách hàng nếu tàu đến trễ. Đặc biệt là với tàu cao tốc AVE – niềm tự hào Tây Ban Nha.

Nếu tàu trễ nhiều hơn 15 phút thì bạn được bồi thường 50% giá vé và nếu trễ nhiều hơn 30 phút thì được bồi thường 100%. Oh la la!

Thêm nữa, nếu không nhận refund trực tiếp mà lấy credit (dưới dạng code) để mua vé lần sau thì sẽ được cộng thêm 20%.

Thông tin đầy đủ về cam kết đúng giờ đây nhé. Trang web của Renfe không có tiếng Anh phần này nên mình phải dùng Google Translate!

Nhóm 3: UK, Đức, Áo, Đan Mạch và phần lớn các nước Trung & Đông Âu

Đây là những nước có vé tàu đường dài bán theo “thang giá” và không yêu cầu đặt chỗ.

“Thang giá” nghĩa là vé sẽ được bán ở nấc giá rẻ nhất trước, khi vé ở nấc này bán hết thì bạn sẽ phải mua vé ở nấc giá tiếp theo cho cùng tuyến đường đó.

Những nước này cũng luôn có vé full-price, là loại vé đổi trả được, có giá cố định (mua trước online hay mua ngay ngày đi ở ga cũng thế), dùng được cho bất cứ chuyến tàu nào trong ngày cho tuyến đường trên vé.

8. Áo

Hãng quốc gia: ÖBB (www.oebb.at).

Hãng tư nhân: Westbahn, www.westbahn.at.

Trang web khác để mua vé: www.trainline.eu, lợi thế (duy nhất) so với www.oebb.at là book luôn được tàu của Westbahn cho tuyến đường Vienna – Linz –Salzburg.

Vé mua sớm giá rẻ: YES. Sparschiene (saver), chỉ dùng được cho chuyến tàu đã mua, nói chung không đổi trả được.

Vé mua online có thể in ở nhà được.

Đặc biệt: Áo là một nước khá nhỏ về diện tích nhưng lại có hãng đường sắt quốc gia vô cùng phát triển.

ÖBB vận hành rất nhiều tuyến tàu đêm dưới thương hiệu NightJet và rất nhiều tuyến tàu cao tốc quốc tế với thương hiệu RailJet.

9. Đức

Hãng quốc gia: DB (www.bahn.de).

Hãng tư nhân: FlixTrain (\cùng một chủ với FlixBus).

Trang web khác để mua vé: www.loco2.com hoặc www.trainline.eu, nhưng mình thấy dùng www.bahn.de vẫn hơn

Vé mua sớm giá rẻ: YES.

Flexpreis: Là vé full-price. Được tặng City-Ticket miễn phí nếu tuyến đường dài hơn 100km.

Sparpreis: Chỉ dùng được cho chuyến tàu đã mua, đổi trả mất phí. Được tặng City-Ticket miễn phí nếu tuyến đường dài hơn 100km.

SuperSparpreis: Chỉ dùng được cho chuyến tàu đã mua, KHÔNG ĐỔI TRẢ. Không được tặng City-Ticket nhưng bạn có thể mua thêm City Mobil.

City Mobil: Nếu mua vé online cho một chuyến tàu đường dài, bạn sẽ được mời mua thêm vé City Mobil. Vé City Mobil cho phép bạn sử dụng các phương tiện công cộng ở nơi đi / nơi đến như bus, tram và U-bahn. Bạn có thể chọn vé City Mobil một chuyến hoặc vé ngày.

Quer-durchs-Land-Ticket: Vé ngày, dùng được cho tất cả các loại tàu vùng (RE, RB, IRE, S-Bahn) trên toàn nước Đức, T2-T6 từ 9h sáng ngày chính đến 3h sáng ngày hôm sau, cuối tuần từ 0h ngày chính đến 3h sáng ngày hôm sau.

Giá cho 1 người là 44 Euro. Từ người thứ 2 đến thứ 5 mỗi người chỉ mất thêm 8 Euro nên dùng vé này rất lợi nếu đi theo nhóm 5 người trở xuống.

Lander tickets: Vé ngày cho một bang, dùng được cho tất cả các loại tàu vùng (RE, RB, IRE, S-Bahn) trong bang đó. KHÔNG dùng được cho tàu IC, ICE và EC.

Bahn Card: Là loại thẻ giảm giá, cho phép bạn mua vé tàu theo giá giảm từ 25% tùy theo loại Bahn Card mà bạn mua.

Đây tất nhiên là lựa chọn rất tốt cho những bạn sống ở Đức, nhưng với khách du lịch thì mình thấy không cần thiết vì quy trình mua hơi phức tạp và thẻ này chỉ có lợi nếu bạn định ở Đức khá lâu và định đi tàu khá nhiều.

Tổng tiền vé tàu ở Đức của bạn phải ít nhất 300 Euro thì mới đáng xem xét nhé. 250 Euro thì mua Bahn Card cũng chỉ hòa vốn thôi. Tuy nhiên nếu bạn dưới 27 tuổi thì lại có thể rất lợi đấy.

German Rail Pass của DB (chứ không phải Eurail Pass for Germany):tương tự Eurail Pass nhưng có nhiều benefit hơn.

Group saver fare: Nếu bạn đi theo nhóm từ 6 người trở lên.

Nếu bạn muốn đi từ A đến B nhưng dừng dọc đường ở C, trang www.bahn.de có một tính năng rất hay mà không hãng đường sắt nào khác có, đó là cho phép bạn chọn một điểm dừng dọc đường, thời gian dừng tùy bạn chọn (tối đa 48 tiếng) mà bạn vẫn mua được vé liền, với giá rẻ nếu có.

Trẻ em dưới 6 tuổi đi tàu miễn phí, trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi miễn phí nếu có người lớn đi kèm. DB đáng yêu ghê hông!

10. UK

Hãng quốc gia: National Rail (www.nationalrail.co.uk).

Mạng lưới đường sắt UK được vận hành bởi hơn 20 hãng tư nhân, hoạt động thống nhất với nhau dưới cái tên National Rail – nghĩa là hãng “đường sắt quốc gia” UK không phải là một hãng mà là tập hợp của rất nhiều hãng. Tuy nhiên họ phối hợp hoạt động rất đồng nhất (chắc do nhà nước bắt phải như vậy).

Trang web khác để mua vé: http://www.loco2.com (có rất nhiều trang bán vé khác nhưng họ đều lấy phí mà không có vé rẻ hơn đâu nên đừng mất tiền vô ích nhé).

Tuy nhiên có trang trainline.com (công ty mẹ của trainline.eu) có tính phí nhưng dùng để book vé tàu UK rất tốt và họ có app cho điện thoại.

Không phải vé nào cũng bị tính phí và trang này còn book được vé xe bus đường dài nữa.

Vé mua sớm giá rẻ: YES.

Các loại giá vé: Ngoài vé loại full-price và loại khuyến mãi, UK có thêm một loại vé là off-peak.

Vé Anytime: Đây là vé full-price, rất linh động nhưng đắt khủng hoảng, nói chung là không nên xét vì vé này chủ yếu nhằm vào business travellers.

Vé Off-peak: Dùng được vào giờ thấp điểm như cuối tuần (T7, CN) và ngoại trừ giờ cao điểm* cho T2-T6.

Lưu ý là khung thời gian giới hạn của loại vé này khác nhau cho những tuyến đường khác nhau nên bạn nhớ xem kĩ trước khi đặt vé.

Vé có thể dùng cho bất cứ chuyến tàu nào trong ngày, tất nhiên là trong khung giờ quy định. Không cần mua trước vì giá không đổi.

Vé Off-peak khứ hồi thường chỉ đắt hơn vé 1 chiều có 1 bảng và bạn có thể dùng chiều về trong vòng 1 tháng kể từ ngày dùng chiều đi, nên không tội gì mà không mua luôn.

Vé Super Off-peak: Một số hãng tàu có bán thêm vé Super Off-peak, giá rẻ hơn nhưng điều kiện cũng khắt khe hơn.

Vé Advance: Đây là loại vé rẻ khuyến mãi, không đổi trả được, chỉ dùng được cho chuyến tàu in trên vé.

Vé được bán theo thang giá (giống như những nước khác trong nhóm này), vé mua càng sớm càng rẻ. Vé này chỉ được bắt đầu bán trước khoảng 8-10 tuần.

Một điểm đặc biệt ở Anh (khác với tất cả những nước khác) là bạn không được xuống sớm dọc đường. Ví dụ bạn mua vé tàu từ A đến D. Tàu này phải đi qua B, C trước rồi mới đến D.

Bạn không được khởi hành ở B, cũng không được xuống sớm ở C. Tóm lại đã mua vé nào thì đi đúng vé đó chứ đừng có mà xớ rớ!

(Nếu bạn đang nghĩ tại sao định đi từ A đến C mà lại muốn mua vé A đến D? À, là vì có khi vé rẻ A – C bán hết rồi mà vé rẻ A – D lại còn và rẻ hơn vé off-peak cho A – C.)

Để tìm thông tin, giờ tàu và giá vé, bạn vào trang của National Rail ở trên.

Trang này không bán vé, nhưng sau khi bạn tìm được vé ưng ý thì họ sẽ liệt kê các link để mua vé, thường là link tới các trang bán vé tổng hợp như trang Loco2, hoặc là trang web của hãng vận hành chuyến tàu đó.

Mỗi hãng tư nhân đều bán được vé tàu của những hãng khác, giá bán ở đâu cũng như nhau nên khỏi mất công so sánh nhé.

Railcards: Là các loại thẻ giảm giá. Giá thẻ là 30 bảng và bạn được giảm 1/3 giá vé nếu có thẻ này.

Nếu đi một mình, bạn chỉ mua được thẻ nếu bạn dưới 26 tuổi (loại thẻ 16 – 25 Railcard) hoặc trên 60 tuổi (loại thẻ Senior Railcard).

Không đủ trẻ mà cũng không đủ già? Bạn rất nên lập hội!

Two-together Railcard: Cũng chỉ 30 bảng cho 2 người, nhưng bạn luôn phải dùng nó mua 2 vé cùng chuyến tàu (chứ không dùng để giảm giá cho 1 vé đơn được).

Xem thêm thông tin TẠI ĐÂY.

Family and Friends RailCard: Giá cũng chỉ 30 bảng, dùng được cho nhóm có tối đa 4 người lớn và 4 trẻ em.

Bạn không cần lần nào cũng đi với cùng một nhóm người, nhưng điều kiện dùng thẻ là phải có ít nhất 1 người lớn và 1 trẻ em (nghĩa là nếu chỉ có 3 – 4 người lớn với nhau thì cũng không dùng được thẻ này nhé).

Trẻ em ở đây phải là từ 5 – 15 tuổi, vì 16 trở lên tính là người lớn và trẻ em dưới 5 thì đi cùng người lớn miễn phí rồi nên không tính là 1 đứa.

Tuy nhiên nếu con bạn toàn dưới 5 tuổi thì không sao, bạn mua 1 vé trẻ em 5 – 15 cho bé thì cả nhà sẽ được giảm giá.

Lưu ý là 2 gia đình đi với nhau hoàn toàn ổn vì bạn không cần phải có họ hàng.

Link thông tin: https://www.familyandfriends-railcard.co.uk/…/are-you-elig…/

Để mua các loại Railcards này, bạn phải mua ở ga nếu bạn không sống ở UK.

Tuy nhiên bạn vẫn có thể mua vé trước ở trên trang web www.virgintrains.co.uk để mua được vé rẻ vì không cần điền số thẻ Railcard lúc mua. Bạn nhớ mua thẻ để trình cùng với vé khi lên tàu.

www.virgintrains.co.uk là một trong các hãng tàu của UK và (vì thế) có thể bán vé cho tất cả các hãng UK khác.

Chú thích

Các tên hãng quốc gia mình ghi ở trên phần lớn là tên viết tắt.

Cách tính tuổi của người phương Tây nói chung cũng như cách tính cho những mục đích “nghiêm túc” là nếu chưa tới sinh nhật lần thứ n thì bạn vẫn là (n-1) tuổi.

Vì vậy 15 tuổi 11 tháng 3 tuần thì cũng vẫn là 15 (và vẫn dưới 16).

0-4 nghĩa là dưới 5, 5-15 nghĩa là từ 5 tuổi đến dưới 16.

Nhóm 2 và nhóm 3 khác nhau như thế nào?

Với thang giá, giá vé không phụ thuộc vào ngày trong tuần hay mùa trong năm, chuyến sáng hay chuyến chiều v.v…đơn giản là vé bán theo các nấc giá, vé rẻ bán hết thì tới nấc giá tiếp theo, nghĩa là không bao giờ có chuyện mua muộn rẻ hơn.

Còn giá dynamic thì được quyết định bởi một thuật toán phức tạp dựa trên nhiều yếu tố nên giá có thể lên lên xuống xuống như vé máy bay. Tất nhiên quy luật chính vẫn là mua càng cận ngày càng đắt.

Nhận xét cá nhân: Thụy Sỹ, Đức, Áo là 3 nước nói tiếng Đức và nói chung là có “văn hóa Đức” nên phong cách làm việc khá “ngon nghẻ”.

Ngoài việc trang web đầy đủ thông tin, chính xác, dễ dùng thì tàu chạy cũng rất đúng giờ – đặc biệt là Thụy Sỹ chính xác đến từng phút!

Còn mấy nước vùng Địa Trung Hải như Pháp, Ý, Tây Ban Nha thì theo phong cách thoải mái, dễ tính, amateur (ahihi). Kiểu như trang web của Renfe tiếng Anh dịch như cùi bắp mà lịch tàu chạy thích thì mới load lên nên có khi phải chờ trước 30 ngày mới có lịch đầy đủ.

Xe lửa của các nước này chạy cũng đúng giờ thôi nhưng muộn cỡ 10 – 15 phút là chuyện thường, nhất là các loại tàu chậm, dừng nhiều.

Mình không dám lạm bàn về các nước Bắc Âu hay Đông Âu vì không có đủ kinh nghiệm, nhưng mình đoán Bắc Âu sẽ theo phong cách nghiêm túc đúng giờ còn Đông Âu thì dễ tính amateur.

4. Mua vé xe lửa – Xe lửa quốc tế.

Giả sử bạn muốn đi tàu từ thành phố A của nước X tới thành phố B của nước Y.

Việc đầu tiên bạn nên làm là tìm xem có những tuyến đường nào đi từ A đến B bằng cách dùng trang bahn.de của đường sắt Đức.

Trường hợp 1

Nếu A và B nằm trên tuyến đường của một loại tàu có thương hiệu riêng như Thalys chẳng hạn, hoặc bạn đã biết và muốn chọn đi một thương hiệu tàu cụ thể (vì cùng tuyến đường có thể có nhiều tàu khác nhau), bạn chỉ việc vào trang web của hãng đó. Ví dụ:

Trường hợp 2

Nếu từ A đến B có tàu đi thẳng (direct train, chỉ có 1 chặng, không phải đổi tàu): Bạn sẽ mua được vé từ trang web của đường sắt nước X, là nước của điểm đi A.

Những trang bán vé có kết nối trực tiếp với hệ thống vé của nước X cũng sẽ bán được vé này, với cùng giá như trang web nước .

Một ngoại lệ là nếu nước X là UK: Các trang của nước này chỉ bán được vé nội địa.

Cũng may là từ UK sang châu Âu lục địa bạn sẽ phải đi Eurostar từ London sang Paris hoặc Bỉ trước, nên bạn cứ mua vé Eurostar trước rồi mua vé đi tiếp sau.

Nếu nước X là Pháp: Bạn dùng những trang bán vé có kết nối trực tiếp với hệ thống vé của Pháp sẽ dễ hơn dùng trang chính hãng (cũng như khi mua vé nội địa Pháp).

Trang bahn.de của đường sắt Đức bán được cả những vé TỚI Đức nên nếu ga đến ở Đức thì bạn cũng mua được vé ở trang này.

Tương tự như Đức, một số nước khác cũng bán được vé tàu từ một số nước láng giềng tới đó.

Ví dụ trang của Áo bán được vé tàu từ Thụy Sỹ / Đức / Ý và Prague sang Áo. Trang của Séc bán được vé từ Đức, Áo sang Praha. Trang của Na Uy và Thụy Điển bán qua lại cho các thành phố của hai nước.

Tuy nhiên trang bahn.de là cá biệt vì bán được vé của tất cả direct train tới Đức, bất kể xuất phát từ đâu.

Trong trường hợp bạn có thể đặt vé cả ở trang của nước X và nước Y, bạn nên chọn nước có giá sinh hoạt rẻ hơn thì giá vé tàu (cho cùng chuyến từ A đến B đó) sẽ rẻ hơn.

Ví dụ từ Thụy Sỹ đi Đức / Ý / Áo thì book ở trang của Đức / Ý / Áo. Từ Đức đi Séc thì book ở trang của Séc.

Trường hợp 3

Nếu từ A đến B không có tàu đi thẳng: Bạn xem trang bahn.de để biết có mấy chặng và phải nối chuyến ở đâu.

Dùng nguyên tắc ở phần 1 & 2 ở trên cho những chặng quốc tế, và nguyên tắc ở mục 6.4.3 (ở trên) cho những chặng nội địa.

Ví dụ bạn muốn đi từ Venice tới Zurich và phải chuyển tàu ở Milan.

Bạn mua vé nội địa Venice – Milan, sau đó mua vé Milan – Zurich. Cả 2 vé này đều mua được ở trang TrenItalia và đôi khi bạn có thể mua được 2 chặng như một vé liền (through ticket).

Một ví dụ khác là bạn đi từ Prague đến Venice và phải chuyển tàu ở Vienna.

Bạn mua vé Prague – Vienna ở trang của đường sắt CH Séc (www.cd.cz/eshop) và mua vé Vienna – Venice ở trang của đường sắt Áo (www.oebb.at).

Nếu thấy khó quá thì cứ hỏi anh Seat61 nhé!

Các trang bán vé online (không phải trang của hãng)

Đầu tiên bạn nên lưu ý là những trang này không bao giờ bán giá rẻ hơn trang chính hãng được đâu nhé, vì khác với vé máy bay hay hàng hóa thông thường, với vé tàu thì đại lý chỉ có thể lấy vé từ hệ thống bán vé của chính hãng.

Do đó giá thấp nhất họ có là bằng giá chính hãng bán (tại cùng thời điểm, cho cùng chuyến tàu), đôi khi còn phải cộng thêm booking fee / mark-up của đại lý (mặc dù phí này thường chỉ vài Euro).

Lợi thế của những trang bán vé online là có những trang có thể truy cập được hệ thống bán vé của nhiều nước khác nhau nên bạn có thể book vé cho nhiều nước trên cùng một trang.

Với vé xe lửa nội địa thì đây cũng không phải lợi thế gì lớn nhưng với vé tàu quốc tế thì có thể tiện lợi hơn nếu bạn cần di chuyển một tuyến đường gồm nhiều hơn 01 chặng quốc tế.

Lưu ý: Không có trang web nào bán vé được cho tất cả các hãng!

Có những trang bán vé là của chính hãng, ví dụ như www.b-europe.comlà trang bán vé quốc tế của Đường sắt Bỉ, www.nsinternational.nl là trang bán vé quốc tế của Đường sắt Hà Lan.

Các trang phổ biến và tốt (giá bằng chính hãng, không lấy phí, in vé được tại nhà)

  1. www.loco2.com: Có access trực tiếp tới hệ thống vé của đường sắt Đức, Pháp (chỉ tàu quốc tế), Ý, Tây Ban Nha, UK và cả hãng tư nhân Italo của Ý.
  2. www.trainline.eu: Có access trực tiếp tới hệ thống vé của đường sắt Đức, Áo, Tây Ban Nha…

5. Mẹo vặt và giải đáp thắc mắc.

Q: Đi xe lửa ở châu Âu có khó không?

Bạn Hà ơi, bạn viết cả nửa tá bài liên quan đến đi tàu. Vậy đi tàu ở châu Âu có phức tạp đến vậy không?

A: KHÔNG HỀ. Nếu không có thời gian, bạn không cần đọc bài nào của mình cả, chỉ cần nhớ 2 nguyên tắc chính:

  1. Nên mua vé sớm khoảng 1 – 2 tháng.
  2. Chuyến tàu của bạn khởi hành từ nước nào thì vào trang web của đường sắt nước đó mua vé.

Những bài trước mình viết chủ yếu cho những bạn đi tàu nhiều và muốn mua vé rẻ nhất có thể. Nếu lịch trình của bạn chỉ có vài chuyến tàu và bạn tuân theo 2 nguyên tắc trên thì cũng đã mua được vé giá (rất) tốt rồi.

Q: Tìm tuyến đường như thế nào?

A: Để đi từ A đến B có thể có nhiều tuyến đường (route) khác nhau, ví dụ có tuyến đi qua C (A – C – B) và tuyến khác đi qua D (A – D – B).

Cách nhanh nhất để xem có những tuyến đường nào là dùng Rome2Rio, nhưng nếu bạn muốn có giờ tàu chính xác thì dùng bahn.de nhé.

Nếu bạn thích tuyến đi qua C hơn thì click vào Add intermediate stops và chọn C ở ô via thì sẽ chọn ra được những chuyến tàu đi qua C.

Q: Làm sao để biết tàu nào nên mua vé sớm, tàu nào không cần?

A: Tàu vùng hoặc tàu của 3 nước nhỏ BeNeLux thì không cần mua sớm vì giá vé cố định. Tàu đường dài thì nên mua trước 1 – 2 tháng.

Q: Nhận biết tàu vùng và tàu đường dài như thế nào?

A: Giả sử bạn đã tìm được chuyến tàu ưng ý bằng cách dùng trang bahn.de.

Click vào chữ Show Details, bạn sẽ thấy thông tin đầy đủ về những chặng đi, chuyển tàu ở đâu, thời gian transit bao lâu v.v…

Ở cột Products, bạn sẽ thấy những mã số như RE 5111, NJ 456 hay IC 1020, v.v… Đây là số hiệu của chuyến tàu.

Những số hiệu như R, RV, RB, RE, IR… (nói chung có chữ R trong đó) đều là tàu vùng (regional train) và không cần mua vé trước.

Những tàu có mã IC, ICE, EC… đều là tàu đường dài (IC là InterCity, EC là EuroCity).

Ở cột Further Information, bạn sẽ thấy thêm những thông tin khác về chuyến tàu, trong đó có cả hãng vận hành chuyến tàu đó (Operator).

Nếu bạn gặp một mã tàu lạ mà bạn chưa biết, mã cũng không có chữ R hay IC để nhận biết như trên thì bạn có thể Google hãng vận hành chuyến tàu đó để tìm hiểu thêm.

Trang web của hãng vận hành cũng là nơi để bạn mua vé.

Q: Có nên đi tàu đêm hay không?

A: Đi tàu đêm rất thú vị và cũng tiết kiệm được thời gian + một đêm khách sạn.

Đổi lại thì đi tàu ban ngày ngắm cảnh được nhiều hơn nên với những tuyến đường cảnh đẹp thì mình sẽ không đi tàu đêm, ví dụ như Vienna – Venice.

Q: Có dừng ngang đường được không? (Stopover)

A: Thường chỉ được với những tàu không cần đặt chỗ và vé có giá trị cho bất cứ chuyến tàu nào trong ngày trên cùng tuyến đường đó.

Với những tàu còn lại, nếu bạn muốn dừng ở một ga dọc đường và xuống chơi vài tiếng, bạn cần mua 2 vé tách riêng.

Q: Trẻ em có cần mua vé không?

A: Em bé dưới 4 tuổi thường không mất vé. Từ 4 – 11 tuổi (dưới 12) chỉ phải mua vé trẻ em. Từ 12 tuổi trở lên phải mua vé như người lớn.

Trên đây là quy định chung cho nhiều nước. Tuy nhiên có những nước rất hào phóng với giới hạn tuổi được tính vé trẻ em. Ví dụ:

  • Áo và Đức phân ra dưới 6 tuổi, 6 – 14 tuổi và 15 tuổi trở lên.
  • Thụy Sỹ là dưới 6, 6 – 15 và từ 16 trở lên.
  • Bỉ là dưới 6, 6 – 11 và từ 12 trở lên.
  • UK và Ireland: dưới 5 tuổi, 5 – 15 và từ 16 trở lên.

Vé trẻ em (child fare) thường bằng 1/2 vé full-price người lớn nhưng cũng có thể hơn 50%. Có những trường hợp giá vé người lớn discount rẻ hơn (vì vé trẻ em thường không được giảm hay khuyến mãi).

Q: Có nên mua vé hạng nhất (1st class) không?

A: Hoàn toàn không cần thiết. Khoang hạng nhất thì mỗi hàng ghế thường có 2+1 ghế (khoang hạng hai là 2+2).

1st class ghế to và thoải mái hơn, ngoài ra không hơn gì cả. Chỉ có một số rất ít tàu phục vụ đồ ăn miễn phí cho 1st class.

2nd class vẫn rất sạch đẹp thoải mái. Có lần mình lên một tàu Thụy Sỹ nhầm vào khoang hạng 2 mà cứ tưởng là hạng nhất (lần đấy mình có vé hạng nhất).

Tips:
  • Nếu vé hạng nhất chỉ mắc hơn chút xíu thì nên mua đi thử cho biết. Khoang ít người hơn nên cũng yên tĩnh hơn.
  • Thỉnh thoảng có vé hạng nhất giá chỉ bằng hạng hai, lí do là vì hạng hai đã bán hết vé giá rẻ mà hạng nhất vẫn còn.

Q: Mua vé online có được chọn chỗ trước không?

A: Thường là có. Tuy nhiên bạn sẽ không biết được các toa sẽ được nối với đầu tàu theo hướng nào nên thường không chọn được mình sẽ ngồi xuôi hay ngược, bên trái hay bên phải tàu.

Tips: Mình hay chọn chỗ ngồi cạnh cửa sổ và có cái bàn trước mặt. Cần để đồ ăn hay laptop gì cũng dễ mà ngồi chỗ có bàn thì không gian cũng rộng hơn.

Đi nhóm thì được ngồi đối diện nhau. Đi một mình thì dễ nói chuyện với những người cùng bàn.

Ở toa 1st class thường có những ghế lẻ (solo seat). Nhiều lúc mệt rồi hoặc ưa ngắm cảnh hay viết lách không muốn bị gián đoạn thì chọn ngồi một mình.

Toa 1st class cũng có những cặp ghế đối diện, ở giữa có bàn, rất lý tưởng cho cặp đôi lãng mạn.

Q: Có nên/cần chọn chỗ trước không? (Seat Reservation)

A: Có những tàu bắt buộc phải đặt chỗ thì không nói rồi. Còn với những tàu không bắt buộc thì… tùy bạn.

Nếu bạn đi ít người (1 – 2 người), đi vào ngày thường (không đông) thì không cần thiết.

Nếu bạn đi vào những dịp đông người như Giáng Sinh, Phục Sinh, chiều tối thứ Sáu và Chủ Nhật, hoặc bạn đi một nhóm 3 – 4 người trở lên và muốn ngồi cùng nhau thì rất nên đặt chỗ trước.

Mua vé là để được lên tàu còn đặt chỗ là để giữ chỗ ngồi cụ thể trên tàu.

Q: Mua vé online thì lấy vé ở đâu?

A: Tùy vào từng hãng tàu và loại vé, các lựa chọn về cách lấy vé (ticket delivery options) có thể khác nhau. Có 3 tình huống:

  1. Không phải in ra. Vé dùng được luôn ở dạng điện tử, bạn chỉ cần lưu nó trong điện thoại. Loại này thường có mã hình ảnh (QR code hay bar code).
  2. Tự in được ở nhà.
  3. Phải lấy vé ở ga.

Ngoài ra bạn cũng có thể yêu cầu hãng hoặc đại lý gửi vé qua đường bưu điện (thường phải trả phí, hãng có thể không gửi vé ra nước ngoài).

Vé mua bằng app thường được gửi qua app và dùng được luôn để lên tàu mà không phải in ra.

Vé mua trên trang web thường được gửi cho bạn bằng email dưới dạng file PDF đính kèm.

Trong xác nhận đặt vé luôn có một mã số gọi là mã PNR. Đây là mã số bạn cần dùng để xác nhận vé, ví dụ khi đi tàu đường dài ở Ý bạn chỉ cần đưa mã này cho người soát vé. Nếu phải lấy vé tại ga thì đây cũng là mã số bạn cần.

Tips: Bạn nên đọc kỹ chú thích ở xác nhận đặt vé trên app hoặc email mà họ gửi cho bạn. Ở đây sẽ luôn có hướng dẫn cụ thể cách lấy vé cho chiếc vé bạn đã mua.

Q: Có cần validate vé trước khi lên tàu hay không?

Validate là đóng dấu ngày giờ vào vé tại những máy ở ga.

Các vé điện tử không cần phải validate, dù là loại show trên màn hình điện thoại hay phải in ra.

Vé giấy (đúng kiểu vé tàu truyền thống) mà bạn mua tại ga hoặc phải đến lấy tại ga thường cần validate, nhiều khi tùy nước và tùy loại tàu.

Ví dụ ở Tây Ban Nha (hình như) không có loại tàu nào cần validate vé. Pháp và Ý thì vé giấy cần validate.

Tips: Nếu bạn không chắc thì có thể hỏi nhân viên ở ga.

Q: Cần đến ga sớm bao lâu?

Khi đi tàu, bạn chỉ cần đến ga, tìm đúng platform rồi lên tàu thôi. Thỉnh thoảng có thêm bước validate cái vé như đã nói ở trên.

Trường hợp ngoại lệ:

Tàu cao tốc ở Tây Ban Nha có yêu cầu kiểm tra an ninh trước khi lên tàu (chỉ phải đưa hành lý qua máy quét). Bước này chỉ mất 5 – 10 phút chứ không lâu và xếp hàng dài như sân bay.

Tàu Eurostar, vì đi qua biên giới của khu vực Schengen nên có thêm thủ tục xuất nhập cảnh và kiểm tra an ninh. Yêu cầu có mặt sớm tối thiểu 30 phút, nên đến sớm 40 – 45 phút.

Bước soát vé thường diễn ra sau khi tàu chạy một lúc. Nhân viên soát vé sẽ đi kiểm tra từng toa tàu (nếu là tàu đêm thì họ thường soát vé lúc bạn lên tàu).

Cửa lên tàu sẽ đóng khoảng 2 phút trước giờ tàu chạy. Tàu luôn khởi hành rất đúng giờ nhất là từ ga đi đầu tiên trong tuyến đường.

Vậy bạn cần đến trước giờ khởi hành bao lâu?

Điều này phụ thuộc vào 3 yếu tố:

  1. Bạn có vé sẵn hay không: Nếu không có thì bạn phải tính đến thời gian xếp hàng mua vé hoặc lấy vé, tại quầy hoặc tại máy tự động. Máy tự động thường không có hàng dài nên cũng không tốn thời gian lắm.
  2. Bạn có nhiều hành lý hoặc có trẻ em, người già đi cùng không:Nếu có thì nhớ cộng thêm thời gian vì người già, trẻ em sẽ chậm hơn. Trẻ em lại còn hay nổi hứng cần đi toilet bất chợt.
  3. Nếu ga đi là ga rất lớn (nhiều tầng, nhiều khu riêng biệt cho từng loại tàu) thì bạn nên đến sớm hơn. Ở châu Âu cũng chỉ có một số ít ga như vậy thôi. Còn lại thì ngay cả ga khá lớn như Milan mình thấy tìm tàu cũng rất nhanh và dễ.

Những ga lớn nhất ở châu Âu: Các ga ở Paris (đặc biệt là Gare du Nord), London King’s Cross/St. Pancras, Berlin, Munich, Frankfurt, Zurich, Basel, Roma Termini, Milan, Madrid…

Mình thường có vé sẵn và đi không có trẻ con / người già nên chỉ đến sớm 10 phút. Nếu bạn đi lần đầu hoặc lo lắng thì đến sớm 20 phút. Nếu có các yếu tố “trở ngại” kể trên thì đến sớm 30 phút là ok rồi.

Có nhiều ga trong một thành phố

A: Một số thành phố có nhiều hơn một ga lớn. Paris có tới 6 ga tàu liên tỉnh, ga nào cũng khá lớn và quan trọng là mỗi ga phục vụ riêng một nhóm tàu.

Ví dụ Gare du Nord phục vụ (riêng) những tuyến đường phía Bắc. Những tàu đến ga này sẽ không đi tiếp qua những ga còn lại. Vienna hay Brussels nhỏ nhỏ vậy mà cũng có 3 ga. Ngay cả Interlaken nhỏ xíu cũng có 2 ga. May là phần lớn tàu quốc tế qua Bỉ đều dừng ở ga Midi.

Ở Vienna thì đa số tàu liên tỉnh đều dùng ga Vienna HBF. Còn ở Interlaken luôn có tàu nối giữa 2 ga.

Tìm platform

Giống ở sân bay, ở ga sẽ có những bảng thông tin.

Nếu bạn không thấy chuyến tàu của mình trên bảng, đừng lo lắng vì ga có rất nhiều chuyến tàu khởi hành liên tục nên mỗi chuyến tàu chỉ xuất hiện trên bảng khoảng 10 – 20 phút trước giờ khởi hành, hoặc nhiều là trước 30 phút.

Bạn nhớ dùng số hiệu chuyến tàu để tìm xem tàu của mình đi từ đường ray hay platform nào.

Nhớ để ý thông báo: Thỉnh thoảng thông tin platform cũng bị thay đổi cận giờ.

Nếu bạn thấy loa thông báo gì đó và những người đang đứng chờ cùng platform với mình bắt đầu rục rịch di chuyển qua platform khác thì bạn biết phải làm gì rồi đó!

Q: Bạn không thấy chuyến tàu đi Monterosso của bạn trên bảng thông tin?

Bảng hiệu ở ga luôn báo tên ga cuối cho chuyến tàu đó. Ví dụ bạn mua vé từ Milan đi Monterosso nhưng ga cuối của chuyến tàu đó có thể là La Spezia. Nếu đến ga mà cứ tìm Monterosso thì sẽ không thấy.

Trên vé của bạn sẽ có ghi rõ số hiệu chuyến tàu, ví dụ Intercity 665 hay FrecciaBianca 9712.

Đến ga chỉ việc tìm platform theo số hiệu chuyến tàu, rất dễ. Trên vé cũng thường có ghi hướng tàu chạy (direction), thường là tên ga cuối của tuyến đường. Bạn để ý chi tiết này thì cũng dễ tìm tàu thôi.

Tìm đúng toa tàu

Toa tàu thường được gọi là car hoặc carriage. Vì vậy Car 1 là Toa số 1chứ không có liên quan gì đến xe hơi nhé. Toa tàu cũng còn gọi là coachhay wagon.

Toa hạng nhất thường có số 1 và toa hạng hai có số 2 rất to sơn trên toa, nhưng đây không phải là số toa. Số toa thường nhỏ hơn và thường ở ngay gần các cửa toa.

Nếu là loại tàu không cần đặt chỗ (không có seat reservation), bạn chỉ cần lên toa đúng hạng. Nếu có seat reservation thì bạn phải lên đúng toa, đúng chỗ.

Tips: Mỗi platform dài thường được chia ra làm nhiều quãng/nhiều phần (section/sector), thường được đánh dấu bằng chữ A, B, C, D…

Trên những bảng thông báo ở ga (có thể là những bảng Train Composition ngay tại platform), bạn có thể tìm được thông tin toa số mấy nằm quãng nào. Mình nhớ tàu Thalys đi từ Amsterdam có thông tin này.

Rất nhiều tàu khác, ga khác cũng sẽ có. Nếu bạn biết toa số 6 của mình sẽ ở quãng E thì ra sẵn quãng E đứng chờ.

Nếu không chắc hoặc vội rồi thì cứ nhảy lên tàu đã nhé rồi tìm toa sau cũng được.

Lưu ý: Một số đoàn tàu có thể sẽ tách ra làm 2 ở đâu đó dọc đường nên việc lên đúng toa là quan trọng. Những đoàn tàu này sẽ có thông tin ở cửa toa là toa nào đi đâu.

Q: Làm sao để không lỡ bến cần xuống?

A: Mình có một mẹo rất tâm đắc, đó là đặt chuông báo thức khoảng 15 phút trước giờ tàu đến ga cần xuống.

Có báo thức thì yên tâm nếu có ngủ trên tàu cũng không bị lỡ bến và có thời gian để tỉnh ngủ và thu gom hành lý.

Nếu bạn không ngủ thì có báo thức cũng vẫn tốt để nhắc mình chuẩn bị xuống tàu, nhất là khi bạn phải xuống ga để đổi tàu.

Một cách nữa là xem trước tàu của mình sẽ đi qua những ga nào. Ở trang bahn.de, sau khi đã chọn được chuyến tàu, bạn có thể click vào Show details để thấy những ga dọc đường.

Q: Có được mang đồ ăn lên tàu không?

A: Những tàu đường dài thường có bán đồ ăn, nhưng nếu bạn muốn mang đồ ăn lên tàu thì hoàn toàn được nhé (đừng mang mắm tôm sầu riêng gì gì thôi).

Đây là điểm lợi hơn hẳn đi xe bus, thậm chí hơn cả đi máy bay ở chỗ bạn được mang bia rượu để uống trên tàu luôn (tất nhiên là số lượng hợp lý).

Q: Có tệ lắm không nếu bạn mua vé tàu trước và không đổi được?

A: KHÔNG!

Cũng như đi máy bay thôi, bạn mua chuyến nào thì phải đi chuyến ấy. Vé máy bay rẻ cũng có đổi trả được đâu. Vé loại đắt thì đổi trả cũng mất tiền.

Nếu bạn muốn buổi sáng được dậy muộn một chút, ăn sáng thong thả rồi mới sắp xếp đồ và trả phòng thì cứ chọn chuyến muộn hơn một chút, khởi hành 10 – 11h thay vì 7 – 8h.

Mà tàu khởi hành 10h là 10h chứ không phải như máy bay, bay 10h thì 8h phải có mặt chưa kể sân bay xa trung tâm.

Trừ khi quãng đường quá xa thì nói chung đi tàu tiện lắm. Bản thân việc đi tàu là một trải nghiệm thú vị. Chúc các bạn có những chuyến đi đáng nhớ!

6. Những điều bất ngờ đi xe lửa ở Châu Âu.

Tàu địa phương ở London

Đây là tàu đi từ trung tâm thành phố ra các khu suburb.

Victoria Station có nhiều tàu hơn là đường ray và platform nên nhiều khi bạn không biết trước được chuyến tàu mình cần lên sẽ ở đường ray nào, platform nào cho tới vài phút trước khi tàu chạy.

Với người London thì đây chỉ là chuyện bình thường. Họ bình tĩnh chờ, thỉnh thoảng lại liếc lên cái bảng điện tử xem tàu của mình sẽ vào đường ray nào.

Còn với một du khách lớ ngớ thì cảm giác nó không khác gì đi tìm platform 9 3/4 trong Harry Porter!

Hỏi nhân viên ở ga thì họ bảo cứ nhìn lên bảng, mà nhìn lên bảng thì chả thấy tàu của mình. Hóa ra là tới sát nút giờ thì mới có thông tin.

Cũng ở London, có những ga nhỏ mà platform chỉ đủ dài cho 3 toa trong khi tàu có 6 toa chẳng hạn.

Nếu bạn muốn xuống ga này thì phải chú ý nghe thông báo xem có thể xuống tàu từ những toa nào, vì những toa ở đầu/cuối đoàn tàu bước ra là xuống đường ray luôn.

Tất nhiên họ sẽ không mở cửa những toa này khi tàu dừng ở ga.

Có chuyến tàu khi đến một ga nào đó sẽ… bỏ lại 1, 2 toa . Bạn nhớ nghe thông báo, đừng ngồi ở toa bị bỏ lại nhé.

Trong một diễn biến tương tự, có những chuyến tàu khi đến một ga nào đó sẽ tách ra làm 2 và đi theo 2 hướng khác nhau.

Ví dụ một số tàu từ Interlaken đi khu vực Jungfrau sẽ đi tới Zweilütschinen rồi chia làm hai, một nửa đi Grindelwald còn một nửa đi Lauterbrunnen.

Nếu tàu sẽ tách đôi thì bạn sẽ thấy biển hiệu trên toa để giúp mình lên đúng toa.

Lên nhầm tàu sẽ bị phạt, cho dù vé mình mua đắt hơn vé tàu mình ngồi nhầm. Túm lại bị phạt là vì không có vé cho chuyến tàu đang đi.

Vấn đề ngôn ngữ

Ở các ga, ít nhất là các ga lớn thì các biển hiệu đều có tiếng Anh lẫn tiếng địa phương, hoặc không thì họ sẽ sử dụng ký hiệu hình ảnh cũng dễ hiểu nên bạn không cần lo lắng nhé.

Tips của mình là xem thông tin bằng số hiệu chuyến tàu như đã nói ở bài trước.

Ở những chuyến tàu quốc tế thì thông báo trên tàu thường được lặp lại bằng tiếng Anh sau khi được đọc bằng tiếng địa phương. Tàu nội địa thì tùy nước, tùy tuyến đường.

Mình có thể khắc phục việc không biết tiếng bằng cách học tên địa phương, cả cách viết và cách đọc, của các ga / thành phố chính trên tuyến đường bạn sẽ đi.

Ví dụ Cologne tiếng Đức là Köln, Munich là München. Florence tiếng Ý là Firenze, Genoa là Genova, v.v…

Một cách nữa để biết sắp đến ga mình cần xuống chưa là tính giờ (trên vé thường có in giờ đến theo dự kiến). Tàu thường chỉ đến muộn chứ không đến sớm so với giờ dự kiến, mà nếu có đến sớm một chút thì cũng phải chờ đến giờ xuất phát từ ga đó mới được đi tiếp.

Các tên ga cũng có thể hơi khác tên thành phố vì họ cứ hay thêm những từ gì đó vào tên ga.

Ví dụ ga chính ở Milan là Milano Centrale (Centrale thì có nghĩa là trung tâm nên cũng dễ hiểu), nhưng ga Florence chẳng hạn thì lại là Firenze Santa Maria Novella, Venice thì có ga Venezia Mestre ở ngoài thành phố (phần đất liền) và ga chính trong thành phố là Venezia Santa Lucia.

Vienna thì có Wien Hauptbahnhof (Vienna Hbf), Wien Meidling, Wien Westbahnhof là các ga mà tàu liên tỉnh hay dùng.

Rất nhiều các ga tàu ở châu Âu không có thang máy (elevator) hay thang cuốn (escalator) vì các ga được xây từ rất lâu đời. Nói chung là cứ khiêng vali đi cầu thang bộ nhé!

Hà Nguyễn.

 

tin tức - cẩm nang du lịch
Các địa điểm đang hấp dẫn tại thời điểm điểm hiện tại
khoảnh khắc lữ hành
Copyright © 2018 VNETRAVEL, All Right Reserved - Designed By ITGREEN
Gọi điện ZaloChỉ Đường